• Zalo

Bỏ công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm trước khi lưu thông: Chưa phù hợp với thực tế Việt Nam

Sức khỏeThứ Bảy, 12/08/2017 14:12:00 +07:00 Google News

Bộ Y tế vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của luật An toàn thực phẩm (ATTP), trong đó có bỏ một số nội dung đã được Chính phủ cho phép.

Trong quá trình sửa đổi Nghị định này, một số hiệp hội về thực phẩm kiến nghị doanh nghiệp được tự công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, với nhiều sản phẩm, trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, việc này chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam

20170811105737-20170809-155132

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) 

Trong buổi đối thoại với báo chí về vấn đề này, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế nêu rõ: "Chúng tôi cho rằng với điều kiện ở Việt Nam hiện nay chưa thể áp dụng mô hình này được với những lý do. 

Thứ nhất: Ý thức chấp hành pháp luật chung trong đó có ý thức chấp hành pháp luật về ATTP ở nước ta còn chưa nghiêm. Ở các nước phát triển không có tình trạng bơm tạp chất vào tôm, dùng Tinopal để làm trắng bún, làm gì có chuyện rau 2 luống, 1 luống để ăn, 1 để bán, nuôi lợn 2 chuồng, 1 chuồng nuôi để ăn còn chuồng kia để bán…

Thứ hai: Hiện nay, đa phần việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở nước ta theo quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất gia đình, theo kinh nghiệm hoặc tự phát thấy có lãi thì làm mà không có hệ thống kiểm soát chất lượng, không có thử nghiệm, nghiên sản phẩm có phù hợp với các quy định về chất lượng, phụ gia nào phù hợp…

Thứ ba: Muốn bỏ công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm đồng nghĩa với thực tế là chúng ta sẽ bỏ đi khâu tiền kiểm mà chỉ tập trung vào hậu kiểm. Để làm được điều này cần lực lượng thanh tra rất hùng hậu trong khi cả nước hiện chỉ có gần 400 thanh tra y tế".

Không chỉ là thủ tục trên giấy

Bà Trần Việt Nga cho biết thêm, việc Cục cấp công bố phù hợp quy định ATTP là một thủ tục hành chính. Tuy nhiên, bản chất của nó không phải là “chỉ làm trên giấy tờ”. Bởi một doanh nghiệp khi nộp hồ sơ lên, họ sẽ kê khai đầy đủ sản phẩm của họ sử dụng phụ gia gì, hàm lượng bao nhiêu… trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước lúc này là phải thẩm định hồ sơ, xem việc kê khai của doanh nghiệp đã phù hợp quy định chưa.

Nếu thấy không phù hợp, cơ quan quản lý sẽ hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh lại để sản phẩm trước khi được cấp phép lưu hành ra thị trường đạt đầy đủ các tiêu chuẩn về ATTP.

"Bởi thế, nếu không có bước kiểm soát này, doanh nghiệp cứ sản xuất sau đó tự mình công bố rồi bán ra thị trường thì không ai dám chắc sản phẩm đó có đạt các tiêu chuẩn hay không. Thậm chí bản thân doanh nghiệp cũng chẳng biết sản phẩm của mình có đạt tiêu chuẩn hay không", bà Nga cho biết.

Nhiều thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa

Để giảm bớt thủ tục hành chính, trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 38, quy định chi tiết về thi hành Luật ATTP, Cục ATTP cũng đã đề xuất giảm nhiều thủ tục như: Miễn đăng ký công bố sản phẩm cho những nguyên liệu nhập vào chỉ để xuất khẩu; miễn ghi nhãn tiếng Việt cho những sản phẩm nhập vào để gia công và xuất khẩu chứ không tiêu thụ trên thị trường Việt Nam; miễn kiểm tra nhà nước với hàng thực phẩm nhập vào để bán tại các cửa hàng miễn thuế…

Với những thủ tục cần thiết thì vẫn phải giữ lại vì thực phẩm là mặt hàng trực tiếp liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người.

Minh Châu
Bình luận
vtcnews.vn