• Zalo

Biến chủng Delta lan rộng, chuyên gia Trung Quốc kêu gọi đổi cách chống dịch

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 08/08/2021 21:42:58 +07:00Google News

Các chuyên gia kêu gọi Bắc Kinh điều chỉnh cách tiếp cận phòng chống COVID-19 sau khi phát hiện ca nhiễm biến chủng Delta khi nhiều nước bắt đầu mở cửa trở lại.

Trao đổi tại hội thảo trực tuyến, các chuyên gia y tế Trung Quốc cho rằng cần phải "thảo luận nghiêm túc và có hệ thống” để xem xét “điều chỉnh và tối ưu hóa" cuộc chiến chống dịch của Trung Quốc hiện tại, South China Morning Post đưa tin ngày 8/8.

Các chuyên gia kêu gọi nhà chức trách cần học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia khác trong tiến trình mở lại biên giới, đặc biệt là trước thềm Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Biến chủng Delta lan rộng, chuyên gia Trung Quốc kêu gọi đổi cách chống dịch - 1

Trung Quốc đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 ở các địa phương sau nhiều tháng. (Ảnh: Reuters).

Ông Liu Guoen, chuyên gia tại Đại học Bắc Kinh, cho biết ngay cả với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, nước này sẽ khó đạt mục tiêu không có ca mắc mới do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta.

Ông Zeng Guang, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, đồng ý rằng cần thay đổi để xây dựng khả năng miễn dịch cộng đồng, tiến tới chấm dứt nỗ lực duy trì số ca mắc mới bằng 0, hay "triệt tiêu COVID-19".

“Trong đợt bùng phát mới đây, phần lớn là các trường hợp chỉ có triệu chứng nhẹ, điều này lẽ ra không gây quá nhiều lo lắng. Các quốc gia khác cũng chẳng chờ đến khi không ghi nhận ca lây nhiễm nào mới mở cửa biên giới", ông Zeng khẳng định.

Sau nhiều tháng, Trung Quốc đang đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 mới, khởi nguồn từ sân bay Nam Kinh. Đợt lây nhiễm lần này đi kèm với lo ngại từ sự lan rộng của biến chủng Delta.

Số ca mắc mới đã ghi nhận ở 17 tỉnh, với hàng chục thành phố bị ảnh hưởng, trong đó có Vũ Hán (địa phương ghi nhận những ca COVID-19 đầu tiên trên thế giới), Trịnh Châu (thành phố vừa trải qua đợt lũ lịch sử hồi tháng 7) và thủ đô Bắc Kinh.

Tuy nhiên, số ca dương tính trong đợt lây nhiễm lần này vẫn tương đối thấp, hơn 600 ca/1,4 tỷ dân, và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Nhà chức trách đã tiến hành xét nghiệm diện rộng, đồng thời áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại.

Dù cách làm trên giúp Trung Quốc kiểm soát đại dịch và đạt tăng trưởng GDP 2,3% năm 2020, ngày càng nhiều ý kiến cho rằng chiến lược "triệt tiêu COVID-19" gây ra tốn kém hơn những lợi ích mang lại, nhất là khi một số quốc gia tiến tới "sống chung với virus SARS-CoV-2”.

Ông Zeng cho biết người dân Trung Quốc cần tiêm vaccine nhiều hơn, đồng thời chính phủ nên thúc đẩy phát triển các loại vaccine mới, vì tiêm chủng vẫn là yếu tố then chốt giúp điều chỉnh các biện pháp kiểm soát đại dịch.

Ông Zeng khẳng định Trung Quốc "cần học hỏi kinh nghiệm của các nước như Anh, Israel và Singapore" về mức độ hồi phục các ca nhiễm, tình hình dịch bệnh cũng như sự đồng thuận của người dân trong các biện pháp phòng dịch mới.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn