• Zalo

Bí thư TP.HCM: Phải có hướng dẫn mức sinh cho từng địa phương, miền Nam không đạt thì miền Bắc phải bù

Thời sự Thứ Sáu, 31/05/2019 16:38:00 +07:00Google News

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ đưa ra hướng dẫn mức sinh phù hợp cho các địa phương chứ không phải chỗ nào cũng giảm.

Trong buổi thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 31/5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề cập tới 2 trong 5 yếu tố để một quốc gia phát triển bền vững là bền vững về lao động và dân số.

Đi sâu vào vấn đề này, ông Nhân phân tích nếu 2 người trưởng thành (một cặp vợ chồng) sinh được 2 người con thì khi 2 người này về hưu hoặc mất đi, xã hội phải có 2 lao động thay thế. Đấy là chính là công thức đơn giản, xã hội bền vững là khi 2 lao động mất đi có người thay thế.

Tỷ suất sinh đó hướng đến mức tỷ suất sinh thay thế. Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy cứ 20 trẻ đến 20 tuổi thì có một trẻ mất do đau yếu, chỉ còn 19 trẻ. Do đó, nếu 10 cặp vợ chồng sinh đúng 20 thì khi lớn lên chỉ còn 19, không đủ lao động thay thế. 

Vì vậy, có tổ chức khuyến cáo tỷ suất sinh là 10 người phải sinh được 21 cháu hay tỷ suất sinh là 2,1 cháu trên 1 phụ nữ, tỷ suất này là tỷ suất sinh thay thế cho xã hội bền vững.

nguyen thien nhan

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: Quochoi.vn)

Điều này nói thì dễ nhưng làm không dễ. Do nhiều quốc gia không thành công trong việc duy trì mức sinh thay thế. Ví dụ, như Nhật Bản sau nhiều chục năm nỗ lực thì bây giờ mức sinh là 1,4 cháu trên 1 phụ nữ chứ không đạt 2,1.

Theo dự báo trong vòng 50 năm tới, dân số Nhật Bản giảm đi 40 triệu người, thiếu trầm trọng lao động, dư thừa năng lực về giao thông, trường học, bệnh viện và những quỹ an sinh xã hội, bảo hiểm nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nguyên nhân của tình trạng này là văn hóa lao động là trên hết, gia đình, sinh con là phụ. Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, một nửa thế kỷ làm việc liên tục nhiều giờ trong ngày, vấn đề gia đình, sinh con để sang một bên nên bây giờ giải quyết hậu quả rất khó khăn.

Ngoài ra, điều kiện xã hội, y tế, hỗ trợ người có con... không phù hợp; khi sinh con dễ mất việc làm nên người ta không muốn sinh con.

Ông Nhân cho biết, năm 2017, hội nghị Trung ương lần thứ VI có Nghị quyết số 21 về vấn đề công tác dân số trong tình hình mới. Đây là nghị quyết quan trọng và kịp thời, trong đó xác định mục tiêu duy trì vững sinh thay thế của đất nước là 2,1 trẻ bình quân/phụ nữ. Nội dung trong tình hình mới, chúng ta giảm mức sinh từ 4,3 xuống 2,1 cháu/phụ nữ trong các năm qua.

Trong vòng khoảng 10 năm, Việt Nam là nước duy nhất duy trì được tỷ lệ này, nhưng chúng ta có nên giảm dưới 2,1 nữa không, kế hoạch cũ đến 2020 còn 1,8 trẻ bình quân/phụ nữ, mục tiêu như vậy không hợp lý nên nghị quyết Trung ương đề nghị thay đổi.

Đến 31/12/2017, Chính phủ có Nghị quyết số 37 về công tác dân số theo chỉ tiêu hàng đầu cũng là duy trì vững chắc sinh thay thế và coi dân số là một chỉ  tiêu kinh tế xã hội, vận động mỗi vợ chồng sinh đủ 2 con. Nhưng nếu vận động như vậy là chưa đủ mục tiêu 2,1 trẻ bình quân/phụ nữ.

Video: Dân số già hóa nhanh chóng, người Việt chịu cảnh "chưa giàu đã già"

Dẫn một báo cáo gần đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận xét mức sinh ở đồng bằng sông Hồng là 2,16 cháu/phụ nữ là tương đối ổn; Tây Bắc và vùng núi phía bắc là 2,4 cháu/phụ nữ thì hơi cao; Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ 2,3 cháu/phụ nữ; Tây Nguyên 2,4 cháu/phụ nữ là hơi cao nhưng cũng đang cần thiết.

Theo ông Nhân, vì tỷ lệ ở Đông Nam Bộ có 1,62 cháu/phụ nữ là rất thiếu và Tây Nam Bộ có 1,8 cháu/phụ nữ, nên hiện nay chừng nào Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sinh quá thấp thì việc sinh trên 2 cháu, có con thứ ba ở phần còn lại của đất nước là cần thiết để bù lại.

Từ thực tế đó, ông Nhân kiến nghị cần có chuyển đổi nhận thức để đất nước có 2,1 cháu thì phải có bộ phận sinh ba mới bù được, chúng ta làm phải có quy hoạch để không băn khoăn việc này.

"Đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể mức sinh phù hợp cho các địa phương, không phải đâu cũng chỉ giảm, miền Nam không đạt thì miền Bắc còn bù, phải làm có tổ chức, kế hoạch.

Với tinh thần đó, chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ triển khai, hướng dẫn và công tác truyền thông hợp lý để đến 2035-2045, đất nước ta 100 năm thì dân số và lao động vẫn bền vững", ông Nhân nhấn mạnh. 

 
Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn