Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, anh T. (30 tuổi, quê Long An) nhập viện trong tình trạng sốt, ho khan kéo dài. Trước đó, thấy dấu hiệu này anh ra tiệm mua thuốc uống nhưng bệnh ngày càng nặng, cổ họng xuất hiện nhiều mảng trắng bám dày.
Các bác sĩ chẩn đoán anh bị mắc bệnh bạch hầu. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân đã ổn định. Nhưng theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, bệnh nhân cần tiếp tục được theo dõi chặt bởi bạch hầu là bệnh nguy hiểm có thể gây biến chứng nặng như: viêm cơ tim, viêm thận...
Bác sĩ cho biết, trường hợp của anh T. hiếm gặp vì bệnh bạch hầu thường xảy ra ở trẻ từ 1 đến 10 tuổi.
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn corynebacterium diphtheriae gây ra. Được gọi là bệnh bạch hầu vì dấu hiệu đặc trưng là vùng hầu họng có những mảng trắng gọi là màng giả.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng bởi các chất tiết đường hô hấp chứa vi khuẩn bạch hầu hoặc hiếm hơn là qua các chất dịch ở sang thương ngoài da. Thời gian ủ bệnh trung bình 2-5 ngày.
Biểu hiện của bệnh bạch hầu tuỳ thuộc vào biểu hiện nhiễm trùng tại chỗ, tình trạng miễn dịch của bệnh nhân và mức độ lan tràn độc tố trong máu.
Triệu chứng của bệnh là sốt, ho, dấu hiệu của viêm họng, viêm mũi, viêm thanh quản, họng đỏ, nuốt đau. Trong 1- 2 ngày, màng giả xuất hiện. Màng này ban đầu mỏng, màu trắng ngà, khi nặng hơn giả mạc lan xuống thanh khí quản sẽ gây khàn tiếng khó thở.
Phòng bệnh bạch hầu tốt nhất là tiêm vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bình luận