Hành vi dã man với trẻ em: Áp dụng tình tiết tăng nặng
Liên quan đến vụ án bắt cóc và sát hại bé gái hơn 20 ngày tuổi xảy ra mới đây ở thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), trả lời PV VTC News, luật sư Lê Minh Hải, Văn phòng Luật sư Royal (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết đây là vụ án nghiêm trọng, tính chất phức tạp, hành vi của hung thủ dã man nên nếu xét xử theo quy định của pháp luật sẽ áp dụng tình tiết tăng nặng.
“Trong vụ án trên có thể thấy cần bóc tách hai tội danh: Tội bắt cóc trẻ em và sát hại trẻ em. Bé gái hơn 20 ngày tuổi đã bị bắt cóc, sau đó người dân phát hiện thi thể bé gái này ở bãi rác.
Ở đây có thể thấy đã xuất hiện hành vi bắt cóc. Cần xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết cho bé gái. Nếu có kết luận từ cơ quan điều tra xác định nguyên nhân cái chết của bé gái là do bị sát hại thì thì hung thủ sẽ bị xử tội giết người”, luật sư Hải nói.
Theo luật sư Lê Minh Hải, mức xử phạt đối với hành vi bắt cóc trẻ em đã được quy đinh rõ trong Bộ luật Hình sự 1999.
Luật sư Hải dẫn chứng: “Điều 134, Bộ luật Hình sự 1999 quy định về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản như sau: Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 – 20 năm như tội phạm có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, đối với trẻ em...
Ngoài ra, Điều 119 cũng quy định về mức phạt đối với tội mua bán người sẽ bị phạt tù từ 5 – 20 năm như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, lấy nội tạng...
Như vậy, trong vụ án bắt cóc trẻ em ở Thanh Hóa có thể thấy đây là hành vi có tổ chức, đối tượng bắt cóc lại là trẻ em nên hung thủ sẽ phải chịu mức xử phạt cao nhất theo khung quy định”.
Ngoài ra, luật sư Lê Minh Hải cho rằng nếu cơ quan điều tra kết luật cái chết của bé gái sau khi bị bắt cóc là do bị sát hại thì hung thủ sẽ bị xử tội giết người.
“Điều 93 của Bộ Luật Hình sự năm 1999 quy định rất rõ về mức phạt đối với tội giết người. Cụ thể, theo quy định của Điều 93, tội giết trẻ em được xem là hành vi dã man, áp dụng tình tiết tăng nặng nên mức xử phạt cao nhất sẽ là tử hình”, luật sư Lê Minh Hải nói.
Hành vi vô nhân tính
Liên quan đến vụ án nói trên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, xét theo tình tiết của vụ án mà báo chí thông tin thì đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng và có dấu hiệu tội phạm có tổ chức, hành vi của hung thủ là quá dã man, phi nhân tính.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết: “Trẻ em là một trong những đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ.
Điều 6, Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em quy định rõ, đó là các quốc gia thành viên thừa nhận rằng mọi trẻ em đều có quyền vốn có là được sống. Các quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em.
Còn Điều 19 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, dù với bất cứ động cơ mục đích hay mâu thuẫn nào với gia đình cháu bé mà đối tượng đã đang tâm sát hại đều là hành vi mất nhân tính và không thể biện minh được, trước sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật.
“Cháu bé hơn 20 ngày tuổi là người không có lỗi gì trong việc mâu thuẫn giữa đối tượng và gia đình mà lại phải gánh chịu hậu quả bị sát hại rất dã man như vậy. Điều đó càng thể hiện hành vi phạm tội của đối tượng rất tàn bạo, mất hết tính người”, luật sư Thơm nói.
Theo luật sư Thơm, với việc sát hại dã man bé gái, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, thì đối tượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về Tội giết người theo Khoản 1 Điều 93 BLHS 1999 với tình tiết định khung cơ bản là giết trẻ em.
Hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, gây tang thương, mất mát cho gia đình người bị hại và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, khiến dư luận cả nước bất bình nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Video: Hiện trường vụ bắt cóc bé gái 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa
Bình luận