Theo Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC), tính đến đầu năm nay, số cử tri đủ tư cách tham gia bầu cử tổng thống ở nước này lên đến 112 triệu người. Ngoài ra còn có 1,9 triệu cử tri đang ở nước ngoài.
Trung tâm Khảo sát dư luận xã hội toàn Nga (VTSIOM) ước tính tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay sẽ là khoảng 71%, cao hơn 6 năm trước. Đây cũng là kỳ bầu cử đầu tiên được tổ chức kéo dài ba ngày từ 15/3 đến 17/3.
Do điều kiện địa lý và quy định của Hiến pháp Nga, cuộc bầu cử tổng thống ở Nga cũng có nhiều điểm đặc biệt so các quốc gia khác.
Cuộc bầu cử diễn ra thế nào?
Do lãnh thổ rộng lớn có nhiều vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt khó tiếp cận ở Nga sẽ tổ chức bầu cử sớm. Những khu vực đầu tiên bỏ phiếu sớm được ghi nhận diễn ra từ ngày 25/2. Cử tri tại 29 vùng lãnh thổ của Liên bang Nga có thể bỏ phiếu không chỉ tại các điểm bỏ phiếu mà còn có thể bỏ phiếu trực tuyến. Tất cả hoạt động bỏ phiếu kết thúc trong ngày 17/3.
Ngày bầu cử chính thức đầu tiên sẽ diễn ra vào đúng 8h sáng 15/3 (theo giờ Moskva) với hơn 94.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Nga và khoảng 113,5 triệu lá phiếu đã in để phục vụ cuộc bầu cử.
Đây là cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên CEC tổ chức bỏ phiếu điện tử (DEV) và được thực hiện trên máy tính cá nhân, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh. DEV được tiến hành trực tuyến trên cổng Internet đặc biệt của CEC.
Để tham gia DEV, công dân Nga có thể sử dụng bất kỳ trình duyệt nào trên máy tính đã được xác minh theo quy định.
Ngoài ra, tại các khu vực đang xảy ra xung đột cũng được tham gia bỏ phiếu sớm. Công dân đi bỏ phiếu cần có hộ chiếu Liên bang Nga hoặc các giấy tờ tùy thân khác.
Việc bỏ phiếu cho cử tri Nga ở nước ngoài bắt đầu từ ngày 1/3. Các điểm bỏ phiếu cho cuộc bầu cử tổng thống Nga được mở ở tất cả các quốc gia mà Nga có sự hiện diện ngoại giao và lãnh sự, kể cả ở các quốc gia không thân thiện.
Theo TASS, có 4 ứng viên tham gia tranh cử tổng thống Nga, bao gồm: Vladimir Putin (ứng cử viên độc lập); Vladislav Davankov (Đảng Những con người mới); Leonid Slutsky (Đảng Dân chủ tự do Nga - LDPR); Nikolay Kharitonov (Đảng Cộng sản Liên bang Nga - CPRF).
Ông Kharitonov (75 tuổi) từng là ứng viên của Đảng Cộng sản trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 và về nhì với 13,69% phiếu bầu.
Ông Leonid Slutsky, 55 tuổi, là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga. Năm 2022, ông là một trong các thành viên đoàn Nga tham gia đàm phán với Ukraine.
Cả 3 đối thủ cạnh tranh với ông Putin đều ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Việc kiểm phiếu được bắt đầu ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Các thành viên của ủy ban bầu cử khu vực sẽ công bố kết quả muộn nhất vào ngày 19/3 và ủy ban bầu cử của các vùng lãnh thổ cấu thành Liên bang Nga không muộn hơn ngày 21/3.
Kết quả cuối cùng được CEC xác định trước ngày 28/3. Thông tin bầu cử sẽ được công bố trong vòng 3 ngày sau khi kết thúc qua trình thống kê và kiểm phiếu.
Ứng cử viên chiến thắng là người nhận được 50% + 1 phiếu bầu. Nếu không xác định được ứng cử viên chiến thắng, CEC sẽ lên lịch cho vòng 2, được tổ chức sau 3 tuần khi vòng đầu tiên hoàn thành. Hai ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất sẽ tham gia bầu cử vòng 2.
Bầu cử Tổng thống Nga 2024 sẽ có hơn 1.000 quan sát viên. Các quan sát viên nước ngoài cũng sẽ có mặt tại cuộc bầu cử tổng thống Nga.
Tại Nga, thông thường ngày trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức diễn ra sẽ là "Ngày im lặng". Theo đó, mọi hoạt động vận động tranh cử và tuyên truyền đều phải dừng lại. Tuy nhiên, điều này không xảy ra vào năm nay khi cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Nga sẽ kéo dài trong 3 ngày, thay vì chỉ 1 ngày như trước.
Các ứng cử viên Tổng thống Nga
Tổng thống Vladimir Putin, 71 tuổi, được liệt kê là một ứng cử viên độc lập và đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ năm sau những thay đổi hiến pháp nhằm đặt lại giới hạn nhiệm kỳ của tổng thống Nga vào năm 2020. Được bầu lần đầu vào năm 2000, ông hiện là lãnh đạo Điện Kremlin tại vị lâu nhất sau nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin.
Hiến pháp Nga ban đầu quy định rằng một tổng thống chỉ có thể phục vụ hai nhiệm kỳ 4 năm.
Nhưng Hiến pháp sửa đổi năm 2008 đã kéo dài nhiệm kỳ tổng thống lên 6 năm. Tới năm 2020, Hiến pháp sửa đổi có điều khoản quy định không tính đến số lượng nhiệm kỳ mà tổng thống đã đảm nhiệm tính đến thời điểm những nội dung sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực.
Theo AP, những ứng cử viên tổng thống khác được đề cử bởi các đảng ủng hộ điện Kremlin và có đại diện trong Quốc hội Nga. Trong ứng cử viên của Đảng Cộng sản Nga Kharitonov cũng từng đối đầu với ông Putin trong cuộc bầu cử vào năm 2004, nhưng đã về đích ở vị trí thứ hai.
Các cuộc bầu cử trước đây cho thấy những ứng cử viên hiện tại khó có thể có đủ số phiếu để thách thức ông Putin. Năm 2018, ứng viên của Đảng Cộng sản Nga chỉ được 11,8% so với 76,7% của đương kim Tổng thống Putin.
TASS dẫn kết quả cuộc thăm dò mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu Dư luận toàn Nga (FOM) thực hiện cho biết 83% số người được hỏi nói rằng họ đánh giá tích cực những nỗ lực điều hành đất nước của ông Putin. Mức độ tin cậy của người Nga đối với ông chủ Điện Kremlin là khoảng 82%.
Bên cạnh đó, cuộc thăm dò cho biết số người bày tỏ tán thành với hiệu quả hoạt động của chính phủ Nga là 55%. Tỷ lệ người được hỏi bày tỏ tán thành với hoạt động lãnh đạo Chính phủ của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin là 61%.
Theo kết quả thăm dò, Đảng Nước Nga Thống nhất đứng đầu về xếp hạng khi 53% số người được hỏi sẽ bỏ phiếu cho đảng này. Cuộc thăm dò của FOM được thực hiện với 1.500 người lớn từ 104 địa phương đông dân ở thành thị và nông thôn ở 53 khu vực của Nga từ ngày 1/3.
Giới chuyên gia nhận định việc thực hiện những biện pháp củng cố kinh tế, chính trị xã hội trước sức ép từ phương Tây, cũng như trước những biến động của tình hình quốc tế, là một trong những nguyên nhân Tổng thống Putin được dự báo sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này.
Sau hơn 2 năm xung đột, nền kinh tế Nga vẫn vững vàng và tăng trưởng ở mức khá. Chính phủ Nga vẫn duy trì được sự ổn định của hệ thống tài chính; khuyến khích và bảo vệ các doanh nghiệp theo chính sách trọng cung để qua đó giúp nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng 3,6% trong năm 2023, cao hơn cả những cam kết của chính phủ.
Trước thềm cuộc bầu cử, Tổng thống Putin đã tiến hành hàng loạt chuyến công tác tới nhiều địa phương của đất nước, gặp gỡ và trò chuyện thẳng thắn với nhiều tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, hai tuần trước cuộc bầu cử, trong Thông điệp liên bang thường niên, ông đã đưa ra những cam kết đầy tham vọng trong vòng 6 năm tới đối với các lĩnh vực xã hội, kinh tế, phát triển và kinh doanh khu vực. Đây được coi là cương lĩnh tranh cử của nhà lãnh đạo này và đường hướng phát triển nước Nga trong những năm tới.
Hình ảnh Tổng thống Putin trước cuộc bầu cử đã được thể hiện sinh động, cho thấy ông có lẽ là nhà lãnh đạo phù hợp nhất với nước Nga vào thời điểm hiện tại. Điều này cũng được thể hiện qua các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử.
Diễn biến này cho thấy ông Putin có thể giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm nay và tiếp tục nắm quyền đến năm 2030.
Bình luận