• Zalo

Bão số 8 giật cấp 13 đổ bộ Biển Đông

Đời sốngThứ Hai, 11/11/2024 23:30:01 +07:00 Google News
(VTC News) -

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, tối 11/11, bão Toraji đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 8 trong năm.

Lúc 22h, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 8 mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 13. Bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/h.

Dự báo đến 22h ngày 12/11, bão số 8 trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.

Dự báo đường đi, khu vực ảnh hưởng của bão số 8. (Nguồn: NCHMF)

Dự báo đường đi, khu vực ảnh hưởng của bão số 8. (Nguồn: NCHMF)

Khoảng 22h ngày 13/11, bão trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, đổi hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 10-15km/h, cường độ suy yếu dần. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Đến 22h ngày 14/11, bão số 8 ở phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng10km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.

Ngoài ra, dự báo về tình hình mưa lớn ở miền Trung nước ta, cơ quan khí tượng cho biết, từ đêm 11/11 đến đêm 12/11, Thừa Thiên Huế đến Phú Yên mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa từ 70-150mm, có nơi trên 250mm. 

Ngày và đêm 12/11, Tây Nguyên mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa 40-90mm, có nơi trên 180mm.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó gió bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị, địa phương, chủ các công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn theo dõi sát diễn biến thời tiết xấu trong những ngày tới được cập nhật trên hệ thống thông tin của tỉnh và Trung ương.

Các địa phương, đơn vị chức năng cần tổ chức rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện phải tổ chức kiểm tra, thực hiện các phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt; chủ động tính toán vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn; tiếp tục trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc và vận hành công trình theo quy trình đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

Các địa phương, lực lượng chức năng rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là khu vực dễ bị chia cắt; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Bình luận
vtcnews.vn