Chuyến tàu gói ghém những phận người
Tàu đi, cảm xúc mở ra
Có ai đó từng nói, có hai thứ mà đời người không được bỏ lỡ. Một là chuyến tàu cuối cùng về nhà, hai là người thật lòng yêu thương ta…
Ga Sài Gòn chiều 28 tháng Chạp. Có sự hớn hở của người bắt đầu hành trình về quê, có cả những bịn rịn của người mẹ trẻ khi gửi con lên tàu về quê đón Tết với ông bà, sự lưu luyến của cặp đôi yêu nhau đành tạm xa trong những ngày về quê…
Những chuyến tàu cuối năm gói ghém phận người.
Chúng tôi có mặt trên chuyến tàu SE10 từ TP.HCM đi Hà Nội. SE10 là tàu nhanh trên tuyến tàu khách Bắc - Nam, chạy trên quãng đường 1.726 km với thời gian khoảng 37 tiếng. Tàu với 10 toa tàu khách, dừng đỗ trên 34 ga.
Khác với hình dung về những toa hành khách chật chội, nhếch nhác, những hẻm đi chất đầy hàng hóa, những phòng vệ sinh tồi tàn mà người ta vẫn hay kể cho nhau nghe về tàu hỏa thì những gì trên SE10 quá đỗi khác biệt.
Đầu tàu là toa căng-tin phục vụ đầy đủ thức ăn, đồ uống có cả bàn ghế cho khách ngồi. Rồi, toa 1, 2, 3 là toa dành cho ghế ngồi tựa như sofa ở nhà. Sang trọng hơn là các toa nằm được bố trí giường nệm sạch sẽ ngăn nắp. Những lối đi thông thoáng. Ở mỗi đoạn nối toa có đầy đủ nhà vệ sinh, buồng rửa mặt,...
"Đi tàu giờ khác rồi! Sạch sẽ, ngăn nắp. Dù ngày cận Tết, khách đi tàu đông nhưng chẳng phải chen chúc gì cả. Ăn uống thì cứ lâu lâu lại có nhân viên đẩy xe qua lại bán thức ăn, đồ uống... Ai muốn thoải mái thì đến căng-tin ở ngay sau đầu tàu", một hành khách giới thiệu.
Cả đoàn tàu dù nơi đâu cũng thấy “vị Tết” do lượng hàng hóa hành khách đem theo nhiều gấp đôi gấp ba ngày thường, nhưng được xếp ngăn nắp gọn gàng ở những vị trí riêng.
Dường như ai cũng muốn chở cả mùa xuân về nên họ chất thêm bất cứ những gì có thể dù biết rõ, những món đó về tới quê cũng bán đầy trong các phiên chợ,… như thể chỉ cần bỏ sót món gì, mùa xuân sẽ theo đó mà ở lại ngoài cánh cửa.
Dường như ai cũng muốn chở cả mùa xuân về bên người thân nơi quê nhà.
Khi đoàn tàu kéo còi và tạm biệt sân ga, trên loa phóng thanh, tiếng cô phát thanh viên lanh lảnh cùng những bài hát về Tết, về xuân khiến nhiều người cảm thấy rưng rưng xúc động. Có những thế giới riêng bé nhỏ ắp đầy bao cảm xúc bắt đầu mở ra trên con tàu.
Những toa ghế cứng thường dành cho người kinh tế eo hẹp, hoặc cũng có thể là người “chỉ ngồi ghế cứng là không say tàu”. Toa này cũng có một thứ mùi rất... đặc trưng của thập cẩm các loại hàng hóa, hoa quả, bánh trái,…
Đây cũng là toa náo nhiệt nhất. Tiếng cười, nói, trêu ghẹo, tiếng trẻ khóc, tiếng dỗ dành... Mọi hỉ, nộ, ái, ố của thế giới thu nhỏ xuất hiện đủ cả trên chuyến tàu dọc theo dải đất xinh đẹp chữ S.
Sau dăm ba phút ban đâu, những người lạ bỗng hóa thân quen, có lẽ tâm trạng vui mừng sau một năm xa xứ được trở về sum vầy bên gia đình khiến phần đông khá cởi mở. Họ hỏi thăm nhau về ga xuống, về chuyện công việc, gia đình,…
Rồi họ râm ran kể nhau nghe chuyện chuẩn bị Tết của gia đình mình, những bậc cha mẹ khoe được con cháu sắm sửa đồ Tết để mang về quê cúng ông bà. Rồi mấy anh “tra hỏi” nhau vui vẻ chuyện lương, thưởng Tết ở nơi mình làm. Mấy bà, mấy chị cả năm đi làm ăn xa, nay về Tết khoe với nhau đã mua đủ thứ bánh mứt, có người còn mang theo cả buồng chuối rất đẹp để về cúng Tết mà mừng vui hớn hở.
Chuyến tàu gói ghém phận người
Tàu vừa rời ga Sài Gòn chừng 100 km, bà Nguyễn Ánh Nhung vừa ngồi giật gió cho đầu khỏi nhức, vừa liên tục thoa dầu vào phần lưng. Bà đã gần 70 tuổi, quê Quảng Trị, vào TP.HCM làm giúp việc cho một gia đình trẻ đã gần 5 năm.
Đứa con trai duy nhất của bà làm ăn thất bát sinh ra chán nản, nghiện ngập rượu chè, rồi bị suy thận. Bao lo toan dồn lên cô con dâu hiếu thảo, giỏi chịu đựng. Nhìn con dâu ra khỏi nhà từ 4 - 5 giờ sáng và về khi đêm buông mành, cân nặng chỉ còn 43 - 44 kg, bà như đứt từng đoạn ruột.
Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, nghe một người bạn già nói ở TP.HCM có gia đình đang cần giúp việc và trông trẻ, bà quyết định ra đi.
“Con tôi chết hồi tháng 6 rồi. Nhà chủ nói nếu Tết ở lại làm tới qua Rằm tháng Giêng, họ sẽ cho thêm 6 triệu nhưng thôi về chứ, về động viên dâu. Hai phụ nữ mất chồng phải bên nhau năm hết Tết đến”, bà Nhung trầm ngâm.
Mắt đỏ hoe, bà Nhung kể, ở giai đoạn cuối, mỗi tuần con trai phải đi chạy thận 3 lần, tiền kiếm được không đủ, bà đành đoạn bán căn nhà trên hơn 400 m2 đất tổ tiên để lại, chỉ giữ hơn 40 m2 dựng cái nhà nhỏ làm chỗ “chui ra chui vào” cho con cháu và “thân già”.
“Tết 3 năm trước, bánh chưng là thứ xa xỉ không thể mua được cũng không có nguyên liệu để làm. Vì muốn hai đứa trẻ có cảm giác được ăn bánh ngày Tết, con dâu đã gói cơm nguội vào lá rồi đồ lên, giả vờ đó là bánh chưng. Nghĩ lại vẫn thấy như ai cầm dao đâm vào tim, đau và thương dâu lắm”, bà Nhung nghẹn lòng.
Không khí cả toa tàu chùng xuống. Rồi những lời động viên, những cái ôm nhẹ với người đàn bà đã ở cuối con dốc cuộc đời vẫn chưa hết khổ.
Chuyến tàu, đưa những đứa trẻ về với cội nguồn.
Tiếng khóc đói của một đứa trẻ phần nào xóa tan sự tĩnh mịch. Một tay vừa giữ bình sữa cho đứa con nhỏ hơn 1 tuổi, tay còn lại bón cơm cho “cậu cả” khoảng 4 tuổi, chị Nguyễn Thị Chinh quê Nam Định cũng bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình.
Hai vợ chồng chị cùng làm công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), thu nhập chỉ đủ nuôi con nhưng cố gắng mỗi tháng “bỏ ống heo” vài đồng để cuối năm mua vé tàu về quê đón Tết cùng bố mẹ.
Tết năm ngoái và năm kia, do dịch COVID-19 nên anh chị đành cùng các con ở lại đón năm mới xa gia đình. Năm nay, do anh muốn ở lại làm thêm để đủ tiền mua chiếc xe máy đi làm cho đỡ cực nên chỉ ba mẹ con chị “khăn gói quả mướp” bồng bế nhau về quê.
“Tết ở trong này (Bình Dương-PV) khác Tết ở quê nhiều lắm. Ba ngày Tết cả nhà cứ ru rú trong nhà thôi, thấy buồn, thấy thèm không Tết quê nhà. Vì vậy, dù có hơi cực, nhưng mấy mẹ con cũng cố gắng về quê ăn Tết”.
Vào làm công nhân ở Bình Dương đã ngót nghét chục năm, 3 cái Tết trước do dịch COVID-19 nên cũng như nhiều công nhân “Nam tiến” khác, anh Quyết đón Tết ở khu trọ nghèo gần nơi làm việc. Năm nay anh mới sắp xếp để về quê Thái Bình cùng bố mẹ.
Anh Quyết kể, khu trọ của anh ở gần đường ray, mỗi lần nhìn chuyến tàu Bắc - Nam chạy qua. Cả một hồi ức 21 năm về trước lại ùa về trong anh.
“Ngày ấy cứ mỗi lần mẹ lên tàu đi làm, là 3 anh em tôi lại khóc cả tuần. Đặc biệt là cô Út (mới 3 tuổi) cái tuổi chưa biết gì. Nhớ mẹ, không biết mẹ đi đâu, chỉ khóc “mẹ ơi”.
Rồi những ngày giáp Tết, cả 3 anh em mong chờ lắm, vì Tết là mẹ về mà. Với mọi gia đình, với mọi người, thì 30 là đón Giao thừa và ngày mùng 1 là Tết. Nhưng với anh em bọn tôi sáng mùng 2 mới là Tết, bởi vì hôm đó mẹ mới về.
Thấm thoát đã hơn 20 năm, năm nay cũng là bố của 2 đứa con, nhưng tôi không bao giờ quên những chuyến tàu ngày ấy. Chuyến tàu chở bao niềm vui, chở cả câu chuyện thần tiên về với 3 anh em tôi. Chuyến tàu mang tên: “Mẹ”…”, anh Quyết chia sẻ.
Bỏ lại sân ga, bỏ lại thành phố ồn ào, những người con xa quê hăm hở bước chân về quê đón Tết.
Người đàn ông dáng người nhỏ, từ khi lên tàu đều hướng ánh mắt trầm tư ra ngoài cửa kính, như thể đang bị thôi miên bởi cảnh vật bên ngoài cũng không “thoát” được trước không khí đầy sự sẻ chia trong khoang tàu.
Ông tên Nguyễn Hồng Thái, đã hơn 60 tuổi, quê ở Nghệ An, vào sinh sống vào lập nghiệp tại TP.HCM đã 40 năm có lẻ. Tết năm nào ông cũng về Nghệ An và lần nào ông cũng chọn đi tàu.
Những chuyến tàu khiến ông nhớ về ký ức xưa trên những chuyến tàu chợ cách đây 40 năm. Hồi ấy còn là sinh viên, mỗi lần lên tàu về quê là mỗi lần háo hức, xếp hàng từ nửa đêm dài ngót cây số để được vào ga mua vé. Tiếng chen chúc, xô đẩy, nạt nộ, tranh giành, chửi bới nhau rất thậm tệ… chỉ vì một chiếc vé lên tàu.
“Chúng tôi không mua được vé thì trốn lủi làm sao lên được toa là thoát. Các toa tàu chật cứng như nêm, nhiều người chỉ đứng được một chân, nhân viên nhà tàu không còn lối đi để kiểm tra vé. Thế là thoát. Về đến quê, bố mẹ trông chúng tôi tả tơi như người đi đắp đê chống lụt về”, ông Thái chia sẻ.
Ông Thái bảo về quê đón Tết, dù mấy chục năm rồi bố mẹ thì đâu còn nữa, xa thăm thẳm, mình ông thầm thì trò chuyện với bố mẹ qua nén tâm hương, đứng lặng lâu bên bàn thờ, nhưng cứ xách va-li lên là lòng ngập tràn niềm vui sẽ được đón đợi nơi làng quê yêu dấu.
“Trở lại chuyện về quê ăn Tết dù mẹ không còn để nấu cho siêu nước pha trà “móc câu” mời bạn hữu, không còn mẹ để gấp gáp đun lửa rạ nấu niêu cơm nhanh chín, không còn bố đạp xe ra chợ mua chịu vài lạng thịt bạc nhạc về kho mặn, không còn ánh mắt âu yếm, sáng trong nhìn con trai và cơm như sợ hết phần…
Chỉ còn ánh mắt của bố, mẹ, anh trai nhìn tôi trên bàn thờ. Dường như đã vắng vẻ tất cả nhưng vẫn râm ran đâu đây, ngoài ngõ, trong sân, trong mỗi góc nhà, vườn cây tiếng của bố, dáng ngồi của mẹ, lầm lũi làm bếp rồi xếp bằng chân nhâm nhi li rượu của anh trai”, ông Thái nói.
Về quê ăn Tết với những người có tuổi như ông Quyết là về cùng ký ức, về để được sống cùng với tuổi thơ, với tuổi thanh niên, với cây cối, phong thủy của làng trong ký ức, về với hơi ấm mà bố mẹ còn lưu lại trên mảnh đất hương hỏa, về với tiếng lao xao của tình làng, nghĩa xóm.
Gần 17h, nhân viên nhà tàu đẩy xe cơm đi rao. Hành khách trên toa ghế cứng vì muốn tiết kiệm triệt để chi phí nên ít người gọi cơm tàu mà người mang bánh chưng, bánh giò, người mang trứng luộc. Rồi họ mời nhau ăn mía, ăn cam, ăn ổi... xôm như ăn tiệc.
Bao câu chuyện về Tết quê, về tổng kết một năm làm ăn được mọi người thi nhau kể. Trong những câu chuyện miên man ấy, tôi cảm nhận được có niềm vui, có nỗi buồn, có tiếng cười và có cả những giọt nước mắt. Nhưng rồi, cũng trên chuyến tàu về Tết, mọi người động viên, an ủi nhau vượt qua buồn phiền; chúc nhau sang năm mới mọi điều tốt đẹp hơn.
Tàu đến Bình Định, rồi Huế, người lên kẻ xuống. Người nào người nấy đều tay xách nách mang. Nhân viên trên tàu phải liên tục nhắc mọi người sắp xếp hành lý cho gọn gàng để lấy lối đi.
Bỏ lại sân ga, bỏ lại thành phố ồn ào, những người con xa quê hăm hở bước chân, bởi ở miền quê nào đó những đứa trẻ đang đợi họ trở về với bộ quần áo mới, có những người chồng người vợ đang chờ đợi họ bên mâm cơm chiều cuối năm, những ông bố bà mẹ mái tóc bạc phơ mong ngóng con sau một năm bươn chải xa nhà.
Hoặc giả cũng có đứa trẻ vừa mất cha, mong bà về cho nhà bớt hiu quạnh, để hỏi bà vì sao sáng nào cũng thấy gối mẹ ướt đầm một khoảnh.
Bình luận