• Zalo

Bàn chân bẹt: Dấu hiệu dị tật không thể chủ quan

Đời sốngChủ Nhật, 19/11/2017 09:00:00 +07:00 Google News

"Từ nhỏ thấy bàn chân của con phẳng hơn so với các bạn cùng lứa, đưa con đi khám, em “chết đứng” khi bác sĩ kết luận con bị dị tật bàn chân bẹt gây ảnh hưởng lên hệ trục chi dưới”, bà mẹ này chia sẻ trên diễn đàn dành cho phụ nữ mới đây.

Thế nào là “bàn chân bẹt”?

Thực ra, trường hợp bà mẹ nói trên đề cập không phải là hiếm, bởi dị tật này được phát hiện ở khoảng 30% trẻ em châu Á.

Bàn chân chúng ta bình thường có cấu tạo vòm nhằm giúp bàn chân giống cái giảm xóc, khiến chúng ta đi lại nhẹ nhàng, đồng thời giảm phản lực từ đất dội lên khi đặt chân xuống đất. Trong khi đó, với bàn chân bẹt thì lòng bàn chân sẽ phẳng, không nhìn thấy được vòm chân. Trẻ có bàn chân bẹt vòm ngang bàn chân sẽ bị xẹp do gân cơ mác dài yếu, không tạo nổi vòm ngang bàn chân.

Trẻ mắc hội chứng bàn chân bẹt có thể do di truyền từ gia đình hoặc do thời gian bé tập đi, đôi giày của bé đi không hỗ trợ được vòm chân đang phát triển, đi dép tông thường xuyên hoặc chân đi trên bề mặt cứng nên bé không hình thành được lõm bàn chân tự nhiên. Một số người do cấu tạo sợi collagen không vững chắc cũng có bàn chân bẹt, chân đầy này.

Cách nhận biết bàn chân bẹt khá đơn giản, chúng ta làm ướt chân của trẻ bằng nước sạch hay nước màu, sau đó yêu cầu con đặt bàn chân in lên trên một thờ giấy trắng hoặc tấm bìa có thể thấy rõ. Nếu diện tích cả bàn chân đều in dấu trên bề mặt thì có khả năng trẻ mắc chứng bàn chân bẹt. Tuy nhiên nếu phần hình in có một đường vòm cong xuất hiện thì các bậc phụ huynh có thể yên tâm.

Thông thường trẻ nhỏ khi mới sinh đều có bàn chân bẹt nhưng bắt đầu từ 3 tuổi trở lên các vòm bàn chân của trẻ đều sẽ được hình thành. Vì vậy các bậc phụ huynh có thể kiểm tra cho con em mình ở độ tuổi này.

Bàn chân bẹt gây ra những khó khăn gì?

Trẻ em bị bàn chân bẹt thường gặp khó khăn khi chơi thể thao, không chỉ vậy còn ảnh hưởng đến khả năng đi lại một cách bình thường, thậm chí còn gây ra các cơn đau gót chân, cổ chân, khe khớp gối trong và dáng đi không vững. Tình trạng mất cân bằng bàn chân còn có thể ảnh hưởng đến xương lưng và xương hông, nhất là ở trẻ đang ở độ tuổi phát triển nhanh. 

Chứng bàn chân bẹt khiến các xương ở cẳng chân xoay khi đi lại, chạy nhảy, khiến các khớp đầu gối cũng xoay lệch, từ đó dẫn đến đau, viêm hoặc thậm chí thoái hóa khớp gối. Sự lệch trục cũng có thể ảnh hưởng lên tới lưng, cổ và gây ra các rắc rối ở đó. Vấn đề bàn chân bẹt không được can thiệp có thể dẫn đến cấu trúc bất thường ở ngón chân cái, gai gót chân, viêm cân gan chân.

Video: Bàn chân kỳ dị khó tin của mỹ nhân danh tiếng ở Hollywood

Điều trị bàn chân bẹt

Bàn chân bẹt ở trẻ nhỏ có thể được điều chỉnh khi được điều trị sớm và đúng. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay là dùng đế chỉnh bàn chân đặt trong giày. Để đạt mức độ hiệu quả cao, đế này làm theo số đo bàn chân của từng người theo phương pháp đo quét chính xác đường cong của vòm bàn chân và được các bác sĩ chuyên khoa về điều trị chân làm thủ công.

Khi đi đế chỉnh hình chân này, triệu chứng bàn chân bẹt không phát triển thêm, đồng thời phòng ngừa những bệnh sau trẻ gặp phải như đau khớp gối và đau lưng.

Tùy vào từng trẻ và mức độ mà thời gian điều trị khác nhau. Tuy nhiên, nhiều trẻ có thể đi đế chỉnh hình y khoa đến hết thời niên thiếu.

UYÊN
Bình luận
vtcnews.vn