Những năm gần đây, ba kích trở thành một trong những loại thảo dược quý được nhiều người dùng mua về để ngâm rượu. Theo quảng cáo, ba kích ngâm cùng rượu gạo hoặc rượu nếp, chừng hơn 30 ngày là có thể uống được, để càng lâu rượu càng đặc, càng ngọt.
Nếu như trước đây, khách hàng muốn có ba kích tươi phải xuống tận Quảng Ninh mới mua được thì thời gian gần đây, mặt hàng này được rao bán khá nhiều trên chợ mạng.
Ba kích tươi rao bán trên mạng được quảng cáo là ba kích tím Quảng Ninh. Mức giá mỗi cân ba kích tươi dao động từ 160.000 - 250.000 đồng. Trong mỗi bài rao bán, người bán còn không quên đưa ra tác dụng cũng như cách ngâm rượu ba kích để thu hút khách hàng.
Chị Ngọc Bích, một người bán ba kích tươi trên mạng ở Hà Nội, cho biết, chị bán ba kích được khoảng hơn một năm nay. Chị có người quen ở Quảng Ninh nên mỗi lần lấy hàng rất tiện. Mỗi lần chị Bích lấy khoảng 30 - 50kg ba kích tím và bán dần cho khách trong cả tuần. Khách của chị Bích thường là nam giới mua về ngâm rượu. Trung bình mỗi khách mua khoảng 3-5kg. Tuy nhiên, cũng có lần khách đặt của chị Bích tới vài chục kg.
Số lượng mỗi ngày bán ra không quá nhiều song đó cũng là một cách giúp chị Bích tăng thêm thu nhập kha khá.
Anh Thanh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, anh đã được nghe đến loại thần dược sâm ba kích từ lâu, cũng đã được nếm thử rượu ba kích một vài lần nên muốn tìm mối để đặt mua. Tuy nhiên, để tìm được loại ba kích rừng xịn không hề dễ bởi trên thị trường chủ yếu toàn ba kích trồng, củ to nhưng ít chất.
Cách đây khoảng 2 tháng, anh Thanh cùng với mấy người bạn chung nhau đặt mua tới cả tạ ba kích tím Quảng Ninh, cùng mua rượu ngâm, sau đó đem đi hạ thổ tại khu vườn ở quê nhà anh.
Không chỉ rao bán ba kích tươi, nhiều tiểu thương còn có sẵn dịch vụ ngâm luôn rượu ba kích cho khách có nhu cầu. Anh Minh Sang (một tiểu thương bán ba kích ở Bắc Ninh) cho biết, thi thoảng mới có khách đặt anh ngâm rượu ba kích. Phần lớn, mọi người đều mua về tự ngâm vừa rẻ lại chọn được rượu ngon, đúng như ý.
Không chỉ trên Facebook, một số sàn thương mại điện tử cũng xuất hiện bài rao bán củ ba kích tươi với giá từ 250.000 - 3500.000 đồng/kg, tùy loại. Ngoài ba kích ở Quảng Ninh, một số nơi còn rao bán cả ba kích Tây Bắc.
Theo kinh nghiệm của người dân, ba kích có rễ to, mập, cùi dày, màu tía là loại tốt. Rễ sau khi đào lên rửa sạch đất, loại bỏ rễ con, phơi gần khô dùng chày gỗ đập nhẹ cho bẹp phần thịt (tránh giập nát) để lộ lõi nhỏ bên trong rút bỏ lõi, rồi phơi hoặc sấy tiếp cho thật khô sau đó cắt thành từng đoạn ngắn rồi mới ngâm rượu.
Bình luận