• Zalo

Anh tìm cách chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc bằng ‘chiêu bài’ kinh tế

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 26/11/2021 17:46:51 +07:00 Google News
(VTC News) -

Anh khởi động cơ quan hỗ trợ các dự án phát triển ở châu Á, châu Phi và Caribe, muốn giúp các quốc gia khắc phục việc “bị nợ ràng buộc”.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss hôm 25/11 khởi động cơ quan Đầu tư Quốc tế Anh (BII), một cơ quan sẽ tận dụng nguồn vốn tư nhân để đầu tư ở các quốc gia khắp châu Á, châu Phi và vùng Caribe. Động thái này của Anh được xem là nhằm cạnh tranh với các chương trình cho vay của Trung Quốc – khi phương Tây thường xem đó là công cụ để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng.

Theo Financial Times, BII là phiên bản "cải cách" của Nhóm phát triển thịnh vượng chung (CDC Group), một cơ quan phát triển tài chính thuộc chính phủ Anh. Tổ chức này từng bị chỉ trích vì chỉ đầu tư vào các dự án thương mại thuần túy như khách sạn và trung tâm mua sắm, cũng như quá tập trung vào các nền kinh tế thuộc nhóm phát triển.

Còn hiện nay, theo kế hoạch của BII, Anh sẽ huy động ít nhất 9 tỷ bảng (11 tỷ USD) vốn đầu tư một năm, tính từ 2025. Các quan chức cho biết chương trình này sẽ bao gồm việc hợp tác với các thị trường vốn và các quỹ đầu tư quốc gia để mở rộng quy mô tài chính, giúp khu vực tư nhân tham gia.

Anh tìm cách chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc bằng ‘chiêu bài’ kinh tế - 1

Ngoại trưởng Anh Liz Truss. (Ảnh: Financial Times)

Theo bà Truss, cơ quan ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giúp cung cấp cho các nước thu nhập thấp và trung bình “phương án thay thế” để giải quyết “tình trạng bị nợ nần ràng buộc” và vấn đề kinh tế phi thị trường.

Bà thể hiện rằng việc sử dụng kinh tế như một công cụ đối ngoại để gây ảnh hưởng toàn cầu lớn hơn là “một phần cốt lõi trong chương trình nghị sự” của Anh hậu Brexit.

Bà nói thêm: "Chúng tôi muốn xây dựng một mạng lưới tự do trên thế giới với bạn bè và đối tác. Điều đó bao gồm các mối quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ hơn. Đó là một chương trình nghị sự tích cực, không phải là một chương trình mang tính đối đầu, mà là cho các quốc gia lựa chọn thay thế”.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi thực hiện một kế hoạch “xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” trong đó cung cấp cho các nước nghèo nguồn tài chính cơ sở hạ tầng mới, cung cấp lựa chọn “thay thế dân chủ” cho các khoản vay của Trung Quốc.

Hồi tháng 6, các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall cũng ủng hộ việc cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh – bằng một kế hoạch triển khai hàng tỷ USD giúp đỡ các nước nghèo giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu.

“Về tổng quan, ‘xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn’, là một số nước làm việc với nhau để đầu tư trung thực, đáng tin cậy trên khắp thế giới, là đưa các quốc gia và các chương trình đầu tư vào vòng ảnh hưởng tích cực”, Ngoại trưởng Truss nói.

Các quan chức Anh hiện cho biết số tiền tài trợ chính xác mà BII mới sẽ nhận được sẽ phụ thuộc vào "một loạt các yếu tố" và sẽ được chính phủ Anh thống nhất trong năm tới. 

Ranil Dissanayake, chuyên gia chính sách tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, bình luận: “Thêm tiền cho các nước đang phát triển, đặc biệt là tập trung vào cơ sở hạ tầng và đầu tư xanh, là một điều tốt. Nhưng nghĩ rằng điều này sẽ cho phép các quốc gia thay thế các chương trình vay nợ của Trung Quốc thì mới chỉ là lời nói - 9 tỷ bảng một năm chỉ là phần nhỏ so với quy mô của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc".

Tuy nhiên, theo chuyên gia, "phần giá trị nhất của ý tưởng này là về việc Vương quốc Anh có thể hoạt động như một chất xúc tác để khuyến khích đầu tư trong khu vực tư nhân, cũng như giảm chi phí cho các công nghệ mới. Nhờ đó sự đổi mới của Anh thực sự có thể cạnh tranh với các phương pháp tài trợ ép buộc của Trung Quốc".

Phương Anh(Nguồn: Financial Times)
Bình luận
vtcnews.vn