(VTC News) - Cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) được mệnh danh là cây cầu dây võng lớn nhất Việt Nam. Nhưng ngoài kỷ lục đó, cây cầu này còn sở hữu nhiều kỷ lục khác mà ít ai biết đến.
Điều khác biệt đầu tiên của cầu Thuận Phước mà ai cũng biết là kết cấu cầu treo dây võng 3 nhịp với chiều dài 655m, khẩu độ nhịp chính 405m mang lại tên tuổi “Cầu dây võng lớn nhất Việt Nam”.
Để có thể vượt nhịp dây võng lớn như vậy, cầu Thuận Phước phá thêm kỷ lục trong thi công cầu khi đường kính bó cáp chủ của cầu lên đến gần 35cm và liên kết với dầm chủ bằng trục chốt mạ kẽm chống rỉ khác biệt.
Ngoài kỷ lục là cầu dây võng lớn nhất Việt Nam, cầu Thuận Phước còn sở hữu nhiều công nghệ và kỷ lục ít ai biết đến |
Bên cạnh đó, để cầu Thuận Phước làm việc ổn định phải kể đến kết cấu mố neo hai đầu cầu được đặt trên giếng chìm với kết cấu lớn chưa từng có. Mố neo có kích thước (34,5x31x31,7)m và giếng chìm hình hộp rỗng kích thước lên đến (36x30x30)m, vỏ bằng thép và bê tông cốt thép.
Đây là móng giếng chìm có kích thước lớn được thi công bằng phương pháp xói hạ tiên tiến, qua tầng sét ở độ sâu - 35m dưới mực nước biển. Đặc biệt, do là đây là bê tông khối lớn, yêu cầu kỹ thuật cao nên ở mỗi lớp đổ, bê tông được làm lạnh bằng nitơ lỏng để khống chế nhiệt phát sinh.
Kết cấu dầm chủ cũng được xem là hạng mục “đỉnh” của cây cầu này khi hệ dầm hộp có cấu tạo dạng khí động học, nhìn xa như dải lụa mỏng vắt qua cửa sông Hàn. Hệ dầm chủ cầu Thuận Phước gồm 69 đốt, mỗi đốt nặng từ 80-100 tấn, cùng đường kính vồng toàn hệ dầm sau khi hoàn thiện lên đến 16.382m.
Và để có thể thi công hạng mục này, các đốt dầm được sản xuất tại công trường và lao bằng hệ thống xà lan trên biển ở độ cao kỷ lục đến trên 80m.
Không chỉ vậy, cầu Thuận Phước sở hữu 2 trụ tháp hình thang dạng khung hai cột bằng bê tông cốt thép hình hộp với kích thước lớn. Trụ tháp có chiều cao tính từ bệ cọc đến đỉnh tháp là 91,04m, mặt cắt ngang tại chân trụ tháp lên đến 4,0x5,2m và tại đỉnh là 3,5x3,5m. Đây là kết cấu trụ đỡ lớn, dạng “hàng hiếm” đối với các cây cầu tại Việt Nam.
Để thi công được kết cấu trụ tháp này, lần đầu tiên các nhà thầu xây dựng phải sử dụng hệ ván khuôn trượt tự hành trong và ngoài mà không cần sự hỗ trợ của cẩu tháp do thi công trong điều kiện gió mạnh nơi cửa biển.
Móng trụ tháp cũng là hạng mục kỷ lục mà cây cầu này tạo dựng được. Để đảm bảo sự ổn định của trụ tháp, móng trụ tháp được xây dựng bằng 14 cọc khoan nhồi có đường kính lên đến 2,5m. Vượt xa các kỷ lục thi công cọc khoan nhồi mà các nhà thầu xây dựng tại Việt Nam từng thi công lên đến 0,5m.
Chưa hết, cọc khoan nhồi này có độ sâu lên đến 60-70m, ngàm vào tầng đá gốc R> 350kg/cm2 từ 5-7m. Để thi công loại cọc này, nhà thầu phải sử dụng thiết bị khoan đặc chủng nhập khẩu từ nước ngoài.
Kết cấu áp dụng công nghệ tiên tiến nhất và cũng “ồn ào” nhất của cầu Thuận Phước là kết cấu lớp phủ mặt cầu. Lớp phủ mặt cầu Thuận Phước được sử dụng gồm 2 lớp: lớp nhựa epoxy dính bám và chống thấm, lớp còn lại là bê tông nhựa epoxy. Kết cấu được lựa chọn, nghiên cứu thực nghiệm từ các loại vật liệu, công nghệ tiên tiến của các hãng nổi tiếng trên thế giới.
Tuy nhiên, sau thời gian đi vào sử dụng, lớp kết cấu trên không đáp ứng được điều kiện làm việc của cầu đã dẫn đến biến dạng, hư hỏng gây phản cảm.
Một lớp vật liệu khác được đưa ra thử nghiệm gồm gia cường lớp Epoxy dính bám, thay lớp phủ bê tông nhựa epoxy bằng bê tông nhựa polyme PMB3 của hãng Shell,… cũng vẫn không giải quyết được bài toán khó đối với cây cầu này khi biên độ dao động nhiệt, dao động cơ học theo nhiều chiều phá vỡ lớp kết cấu phủ mặt cầu. Và cho đến nay, hơn 3 năm đi vào sử dụng, bài toán lựa chọn loại vật liệu, công nghệ cho lớp kết cấu này vẫn còn là câu hỏi lớn cho ngành giao thông Đà Nẵng.
Bửu Lân
Bình luận