Làng hoa dưới chân núi Hoành Sơn (xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh) năm nay dự báo có hơn 5.000 gốc mai cho ra thị trường tiêu thụ Tết. Tuy nhiên, hiện tại, gần 15% cây mai nở hoa với tỷ lệ nở 30 - 80%, có nhiều cây nở toàn bộ.
“Năm nay mai nở sớm, nguyên nhân là do thời tiết thay đổi. Gia đình tôi lỗ khoảng 20-25 triệu đồng rồi”, bà Bùi Thị Hậu (50 tuổi, thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam) buồn bã nói.
Nhiều cây mai đã bung nở gần hết, chỉ còn lại trơ trụi cuống hoa.
Vườn nhà bà Nguyễn Thị Tuyên (44 tuổi, thôn Tân Thành) hiện có gần 100 gốc mai độ tuổi từ 5-20 năm. “Bán mai vào dịp Tết mang lại thu nhập chính cho cả gia đình. Năm nay, có thể do một số cơn mưa trái mùa, cũng như đổi mùa lạnh làm cho nhiều cây bung nở sớm”, bà Tuyên thở than.
Hoa nở sớm khiến hàng chục hộ dân trồng mai tại xã Kỳ Nam đối diện cái tết “không vui".
Trung bình mỗi gốc mai giá từ 3 triệu đồng trở lên, việc hoa nở sớm khiến người dân nguy cơ mất trắng dù đã đổ bao công sức chăm sóc cũng như tiền của.
Với những cây đã bung nở thì không có cách nào để khắc phục, người dân đành phải ngậm ngùi tỉa hoa để đảm bảo sức khỏe cho cây.
Ngoài ra, việc mai nở sớm còn do kỹ thuật chăm sóc có vấn đề, sử dụng phân bón, thuốc không phù hợp.
Theo kinh nghiệm của những người trồng mai lâu năm, để mai nở đúng tết, từ tháng 10 phải cung cấp nước đầy đủ, nếu thiếu nước thì mai rụng lá dẫn đến nở sớm. Thời tiết cũng là yếu tố quan trọng, phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết từng ngày để chăm sóc cây cho phù hợp.
Để giảm thiểu tình trạng hoa nở sớm, những ngày qua, nhiều chủ vườn cắt bỏ những bông hoa đã nở, đắp gốc, tỉa cành.
Tuy nhiên, ngành chức năng khuyến cáo, khi Tết Nguyên đán chỉ còn cách hơn 2 tháng thì những biện pháp can thiệp để làm chậm quá trình nở của hoa mai chỉ là giải pháp tình thế.
Bà con có thể làm giàn che lưới đen che cây kết hợp với pha phân urê nồng độ 1% vào nước lạnh phun nên thân lá hoặc tưới vào gốc. Dùng dao khoanh 1 hay nhiều vòng xung quanh cành, thân để hạn chế vận chuyển dinh dưỡng nuôi cây, ức chế quá trình sinh trưởng.
Cây mai được xã Kỳ Nam xác định trở thành cây hàng hoá chủ lực, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân. Hiện toàn xã có 30% hộ dân trồng mai, trong đó trên 20 hộ dân có từ 200 gốc mai trở lên.
Bình luận