Mới nhất
Xem nhiều
Bình luận nhiều
Hotline: 0855 911 911
RSS
Liên hệ quảng cáo:
024 36321592
Bình luận
Facebook
Twitter
Zalo
Zalo
Ảnh: Lớp học trong đêm giữa núi rừng của phụ nữ Thái ở Nghệ An
Giáo dục
Chủ Nhật, 19/11/2017 11:29:00 +07:00
Khát khao con chữ, dù ban ngày lên rẫy vất vả, phụ nữ dân tộc Thái ở Nghệ An vẫn cần mẫn học đánh vần, tập viết dưới ánh đèn lờ mờ trong lớp học tạm.
Video: Phụ nữ dân tộc Thái tập đánh vần trong lớp học sau xóa mù chữ
Thấu hiểu nỗi vất vả của đồng bào dân tộc khi không biết chữ, bộ đội Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 ở Nghệ An mở
lớp học xóa mù chữ
cho bà con tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Từ tháng 8 đến nay, cứ 19h, nhà ông Hà Sĩ Nam ở xã Tri Lễ lại thành nơi dạy chữ cho phụ nữ hai bản Nóng 1 và Hủa Na.
Ban ngày, họ vất vả lên rẫy lao động kiếm sống. Tối đến, các chị vẫn vượt suối đến lớp học chữ. Chập tối, con đường đến nhà ông Nam lại le lói ánh đèn pin và rộn rã tiếng cười đùa của phụ nữ người Thái.
Một số người kết thúc công việc muộn, nhà lại xa nên đến trễ. Dù vậy, họ vẫn quyết tâm không bỏ buổi học nào.
Trung tá Nguyễn Đình Văn cho biết ban đầu, bộ đội nơi đây mất khoảng 3 tháng để giải thích với bà con tầm quan trọng của con chữ. Đến nay, 42 người đi học đều đặn. Lớp học sau xóa mù chỉ tạm nghỉ vào những ngày mưa bão để học viên không phải mạo hiểm trèo đèo, lội suối.
Được triển khai từ tháng 8, khóa học xóa tái mù cho phụ nữ bản Nóng 1 và Hủa Na sẽ kết thúc vào tháng 1 năm sau. Trong vòng 5 tháng, học viên học cách đánh vần, ghép chữ và viết.
Vi Thị Chinh, một trong hai giáo viên phụ trách lớp thuộc nhóm tri thức trẻ tình nguyện, cho biết trình độ các học viên không đều nhau nên cô cùng một giáo viên khác và cán bộ từ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 phải quan tâm sát sao tiến độ học tập của từng người, đảm bảo không ai mù chữ sau khóa học.
Đa số học viên đều tuổi đã cao nên nắm bắt chậm, gây khó khăn cho quá trình dạy học. Đổi lại, họ rất hào hứng đến lớp và tích cực học chữ.
Học viên lớn tuổi nhất là bà Hà Thị Nhân, sinh năm 1962. Bà Nhân cho biết hồi trẻ nhà nghèo, lại đông em nên không được học chữ. Khi biết bộ đội mở lớp, bà đã đăng ký tham gia.
Khát khao con chữ, vợ chồng anh Ngân Văn Nguyên (sinh năm 1985) và chị Lương Thị Lan (sinh năm 1984) tranh thủ đến lớp sau xóa mù. Tiếng Kinh còn chưa thạo nhưng hai vợ chồng rất nỗ lực học tập. Mỗi lúc lên rẫy, họ còn tranh thủ ôn bài với nhau.
Trong lớp, nhiều người là chị em, mẹ con. Hoàn cảnh gia đình cùng nếp sống vùng cao khiến họ đánh mất cơ hội đến trường. Sau này, dù đã tham gia lớp xóa mù chữ nhưng do ít tiếp xúc với chữ viết, đa phần bà con ở Tri Lễ lại tái mù.
Nhận thấy tình trạng đó, Đoàn kinh tế Quốc phòng 4 đã vận động để mở lớp sau xóa mù cho bà con. Đoàn mượn phòng từ người dân, chu cấp vở viết, bút bi, bút chì cho bà con cùng các chi phí học tập khác.
Trung úy Nguyễn Hữu Trường, trợ lý tham mưu, cho biết tình hình lớp học khó khăn. Học viên phải dùng ghế thay bàn học, bục giảng cũng chỉ là tấm bảng đen dựng tạm để giáo viên có nơi ghi bài.
“Tinh thần học tập của học viên rất cao, tham gia đầy đủ, dù mưa hay nắng, mọi người đều vượt khó đến lớp. Họ thường xuyên tự chỉ dẫn, bảo ban trong học tập để cùng nhau tiến bộ”, ông Trường nhận xét.
Thông thường, lớp học có hai giáo viên có nghiệp vụ sư phạm phụ trách cùng hai cán bộ chiến sĩ hỗ trợ để theo sát tiến trình học tập của mỗi học viên.
Đến 21h, lớp tan học, 42 học viên cầm sách vở, đèn pin ra về, nghỉ ngơi để hôm sau lên rẫy. “Chúng tôi thích học chữ lắm. Cảm ơn các cô, các chú bộ đội đã cho chúng tôi cơ hội học chữ”, bà Vi Thị Thiến (53 tuổi) nói.
(Nguồn: Zing News)
Chuyên đề:
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2017
tin tức trong ngày
tin tuc
phụ nữ dân tộc thái học chữ
lớp học đặc biệt ở nghệ an
xóa tái mù chữ ở Nghệ An
lớp học xóa mùa chữ
báo giáo dục
tin giáo dục mới nhất
Bình luận
Bình luận