Chính phủ Anh ngày 20/7 quyết định đình chỉ ngay lập tức và vô thời hạn hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, biện pháp được xem là để đáp trả việc Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia Hong Kong hồi đầu tháng này.
Đích thân Ngoại trưởng Anh Dominic Raab công bố quyết định này trước các nghị sĩ tại Hạ viện. Theo đó việc tạm ngưng hiệp ước dẫn độ giữa Anh và Hong Kong sẽ có hiệu lực ngay lập tức và vô thời hạn. Trước Anh, các nước như Mỹ, Australia và Canada đều đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong.
Theo ông Dominic Raab, quyết định này được đưa ra sau khi đã tham khảo kỹ lưỡng Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Tổng chưởng lý Anh và nước Anh sẽ không khôi phục lại hiệp ước dẫn độ với Hong Kong chừng nào chưa có các dấu hiệu rõ ràng và chắc chắn đảm bảo rằng việc dẫn độ từ Anh có thể bị sử dụng sai mục đích theo các quy định mới của luật an ninh quốc gia Hong Kong.
“Những biện pháp cụ thể mà tôi thông báo ngày hôm nay là lời đáp trả hợp lý và tương xứng cho việc Trung Quốc không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế với Hong Kong, và tôi yêu cầu Hạ viện Anh thông qua điều này”, ngoại trưởng Raab nhấn mạnh.
Việc chính phủ Anh đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong được xem là một động thái nữa đánh dấu chấm hết cho “thời kỳ vàng” trong quan hệ giữa Anh và Trung Quốc, vốn được tạo lập dưới thời cựu Thủ tướng David Cameron.
Anh và Trung Quốc trong thời gian qua đang có những mâu thuẫn gay gắt về nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan đến Hong Kong, vùng đất vốn là thuộc địa cũ của Anh nhưng đã được trao trả lại cho Trung Quốc từ năm 1997.
Đầu tháng này chính quyền trung ương Trung Quốc đã thông qua luật an ninh quốc gia Hong Kong nhằm đấu tranh, ngăn chặn các hành vi bạo loạn, ly khai và cho phép trừng phạt cả nhân tố nước ngoài.
Tuy nhiên, chính phủ Anh xem đây là hành động phá vỡ Tuyên bố chung Anh-Trung Quốc về việc trao trả lại Hong Kong được hai nước ký năm 1984. Ngay khi đó Anh đã lên tiếng sẽ áp dụng một loạt các biện pháp đáp trả Trung Quốc, trong đó có việc mở đường cho gần 3 triệu công dân Hong Kong được lấy quốc tịch Anh.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa hai nước còn căng thẳng vì vấn đề liên quan đến tập đoàn Huawei. Tuần trước chính phủ Anh đã quyết định sẽ loại bỏ hoàn toàn Huawei khỏi hệ tầng viễn thông nước này vào năm 2027.
Ngoài ra, Anh còn liên tiếp chỉ trích Trung Quốc về cách xử lý đại dịch COVID-19 đồng thời lên kế hoạch đưa tàu sân bay của nước này đến đồn trú tại vùng biển châu Á-Thái Bình Dương nhằm thách thức Trung Quốc.
Trước các động thái của Anh, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, Lưu Hiểu Minh cảnh báo nước Anh nên có sự độc lập trong chính sách đối ngoại của mình, tránh bị Mỹ lôi kéo và sa vào con đường sai lầm trong quan hệ với Trung Quốc.
Bình luận