• Zalo

'Ai nói bỏ Tết cổ truyền là không bình thường': Người đề xuất gộp Tết nói gì?

Thời sựThứ Năm, 08/02/2018 17:50:00 +07:00 Google News

GS.TS Võ Tòng Xuân - người đề xuất gộp Tết ta vào Tết tây lên tiếng trước việc PGS Trần Lâm Biền nói rằng đề xuất bỏ Tết là "thần kinh không bình thường".

Ngày 7/2, nêu ý kiến trên Báo Lao động, PGS Trần Lâm Biền cho rằng, người đề xuất bỏ Tết là "thần kinh không bình thường".

Theo ông Biền, những ai vỗ ngực cho rằng bỏ Tết truyền thống là tiến bộ thì sự tiến bộ ấy hãy đi ra chỗ khác và hãy tiến bộ một mình đi. Đừng bắt người khác tiến bộ cùng.

"Ăn Tết hay về Tết là tinh thần tự nguyện của mỗi người…Nhiều người dân Việt Nam giờ đây lựa chọn những ngày Tết để đi du lịch. Đó cũng là một cách ứng xử với Tết âm lịch nhưng đó không phải là số đông. Người Việt chủ yếu vẫn là hướng về nguồn, về quê để sum vầy vào dịp Tết. Cái gì thuộc về số đông thì chớ dại đụng vào, còn ai đó bảo bỏ Tết hay phủ nhận thì đó là “thừa lưỡi”, PGS Trần Lâm Biền nói.

19047434_2025490214331141_307950889_o

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân.

Chiều 8/2, trả lời VTC News, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - người đề xuất gộp Tết ta vào Tết tây cho rằng, không nên bận tâm những người như thế, việc của mình thì mình vẫn làm.

"Tôi hay tin mà thấy buồn cười, ông ấy nói người đề xuất bỏ Tết ta là thần kinh. Vậy chắc ông ấy cũng thần kinh rồi, vì trước giờ có ai nói bỏ Tết đâu. Tự nhiên đâu đâu khơi lên, tự nói và tự phán người khác thần kinh thì chắc ông ấy cũng không bình thường", Giáo sư Xuân cho biết.

Theo Giáo sư Xuân, trước tới nay, ông chưa từng nghe ai đề xuất bỏ Tết. Và ông cũng không đồng tình bỏ Tết. 

"Nếu những người hiểu biết người ta sẽ nhìn nhận vấn đề khách quan mà không hùa theo để tiếp tục "ném đá" - Giáo sư Xuân nói.

Liên quan tới đề xuất gộp Tết ta vào Tết tây 12 năm trước, Giáo sư Xuân cho hay, lý do ông đề xuất dựa trên lợi ích chung của đất nước, muốn đất nước hội nhập cùng thế giới thì phải theo quỹ đạo chung của thế giới.

Video: GS Võ Tòng Xuân nêu lý do đề xuất gộp Tết ta vào Tết tây

"Chắc hẳn tất cả mọi người đều nhận thấy Tết dương lịch trong 3 năm trở lại đây ở Việt Nam mình cũng đã thay đổi rất nhiều, thay đổi rõ ràng ở nhiều mặt. Người già, thanh niên, trẻ nhỏ hay người tri thức đều thấy được đêm 31/12 dương lịch là đêm cả thế giới đón mừng năm mới và Việt Nam chúng ta cũng đang làm điều tương tự.

Việt Nam mình cũng bắn pháo hoa; cũng bật nhạc nhảy múa, vui chơi; cũng cùng đếm lui thời khắc cuối cùng của năm để qua năm mới và lãnh đạo của đất nước cũng đọc thông điệp chúc mừng năm mới... Tất cả đều giống hệt các nước khác.

Rõ ràng, bây giờ Việt Nam mình cũng đã ăn Tết dương lịch như bạn bè quốc tế rồi, vậy thì lý do gì tới Tết âm lịch mình lại lặp lại những điều tương tự.

Điều đó rất phí tiền của và thời gian, nhất là những người có việc làm, công việc của họ có đối tác là những người nước ngoài. Vì những ngày mình nghỉ thì họ vẫn làm việc, sẽ nhiều hợp đồng quan trọng bị bỏ giở, và thế mình sẽ mãi tụt hậu không phát triển được", Giá sư Xuân phân tích.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn