Trong bài viết có tựa đề "Vì sao thế giới không chấp nhận và tôn trọng AFF Cup?" của Simon Chadwick trên tờ South China Morning Post, cây bút này kết luận sau hai thập niên từ khi ra đời và trải qua nhiều thay đổi, AFF Cup vẫn không được các tín đồ bóng đá thế giới chú ý.
Tháng 12, người hâm mộ sẽ chú ý đến sự kiện nào nhất? Đó là FIFA Club World Cup. Đó là lễ bốc thăm phân cặp vòng 1/8 Champions League. Châu Á cũng được nhắc đến, nhưng người ta chờ đợi Trung Quốc sẽ khuynh đảo thị trường chuyển nhượng thế nào.
AFF Cup chắc chắn vẫn còn mơ hồ với nhiều CĐV nếu không nhiệt thành. Năm nay, FIFA đồng ý đưa AFF Cup vào hệ thống giải đấu được tính điểm để xếp hạng các đội tuyển quốc gia. Thể thức thi đấu hai lượt từ vòng bán kết cũng tiếp tục được áp dụng.
Tất cả vì mục tiêu mang đến sự hấp dẫn cho giải. Thống kê ở kỳ AFF Cup 2012 chỉ ra có 190 triệu người theo dõi qua truyền hình. Tất cả chỉ là bề nổi. Con số trên đánh lừa một sự thật: AFF Cup chẳng hào nhoáng như người ta nghĩ.
Minh chứng cụ thể nhất ở giải năm nay khi trận Thái Lan gặp Singapore tại vòng bảng chỉ chứng kiến 359 cổ động viên trên khán đài Philippines.
Nguyên nhân một phần do công tác quảng bá giải thiếu hiệu quả. Trong bối cảnh bóng đá Đông Nam Á đã "đìu hiu", điều này càng khiến giải đấu vắng lặng.
Theo Chadwick, giải AFF Cup thiếu một tên tuổi đủ sức kéo người hâm mộ tới sân. Họ có Australia, tham gia vào LĐBĐ Đông Nam Á từ năm 2014, nhưng không dự giải. Làm thế nào một đội tuyển hạng 48 thế giới lại có thể đấu với đội có thứ hạng cao nhất chỉ là Philippines, hạng 117 thế giới?
Khi nhắc tới bóng đá Đông Nam Á, nhà báo Chadwick chỉ biết đến ba cái tên gồm: Peter Withe, Manchester United, và Vincent Tan. Với Peter Withe, câu hỏi vì sao cựu thành thành viên Aston Villa và tuyển Anh lại cập bến Thái Lan mới thu hút sự tò mò.
Nhà cầm quân người Anh có quyền chọn Trung Quốc hay Nhật Bản làm điểm đến, tuy nhiên lại phiêu bạt tận Đông Nam Á. Chadwick nhìn thấy một xu thế "chuộng" HLV ngoại để đánh bóng tên tuổi của người Thái hoặc vì mức lương quá hấp dẫn.
Còn Manchester United, họ được nhắc tới vì sở hữu một lượng rất đông các CĐV tại Đông Nam Á. Trên các đường phố Thái Lan, Malaysia hay Việt Nam, người ta dễ bắt gặp hình ảnh những cậu bé khoác trên mình chiếc áo Manchester United, Liverpool hoặc Arsenal.
Hai tháng trước, báo Guardian từng thực hiện bài viết thăm dò bóng đá Việt Nam và nhận được câu trả lời từ một cổ động viên rằng: "Có điên mới theo dõi trận đấu tại V.League". Rồi trong chuyến du đấu của MU tới Malaysia ở Kuala Lumpur vào hè 2009, con số 85.000 vé được bán sạch chỉ sau vài giờ.
Người Đông Nam Á mê bóng đá Anh. Sự thật đó không thể chối cãi. Và khi "người nhà" còn quay lưng với bóng đá nội và chỉ bị chinh phục bởi Premier League, làm thế nào AFF Cup được chấp nhận và tôn trọng?
Sau cổ động viên, các tỷ phú cũng ngán ngẩm đầu tư vào bóng đá Đông Nam Á. Họ không nhìn thấy những nguồn lợi nhuận khi đổ tiền xây dựng một đội bóng tại đây. Phương Tây với các CLB lớn trở thành miếng bánh hấp dẫn hơn. Đơn cử như tỷ phú Malaysia Vincent Tan sở hữu CLB Cardiff City.
Như Chadwick phân tích, bóng đá Đông Nam Á không có tên tuổi nào nổi bật để cứu lấy AFF Cup. Gần đây, các quan chức trong Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á rất muốn Australia "mở lòng". Thế nhưng ngay trong nội bộ Liên đoàn vẫn tồn tại mâu thuẫn xung quanh ý tưởng trên.
Bóng đá Đông Nam Á từ đó mãi mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn đi tìm sự thừa nhận. Gần đây, thành công của Leicester City bắt đầu giúp Thái Lan tạo dựng được tiếng tăm bởi "Bầy cáo" có chủ sở hữu là người Thái. Song, bấy nhiêu không đủ giúp bóng đá Đông Nam Á chuyển mình.
Bình luận