• Zalo

65% dân số sống ở nông thôn, Việt Nam công nghiệp hóa thế nào?

Bình luậnThứ Hai, 05/07/2021 10:45:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Với 65% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, TS Nguyễn Sĩ Dũng băn khoăn đặt câu hỏi về việc công nghiệp hóa cái gì và công nghiệp hóa thế nào?

Cách đây không lâu, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức một cuộc tọa đàm về công nghiệp hóa. Đây là một hoạt động nhằm trao đổi các ý tưởng nên chủ tọa không đưa ra kết luận cụ thể.

Tuy nhiên, các ý kiến tại cuộc tọa đàm đều nhất trí khẳng định, công nghiệp hóa là rất cần thiết để đến năm 2045, đất nước ta đạt được mức thu nhập trung bình 45.000 USD/ đầu người, như Đại hội Đảng lần XIII đã đề ra. Không công nghiệp hóa, khó có cơ hội để Việt Nam chuyển từ nước có thu nhập trung bình lên nước có thu nhập cao.

Để dễ cảm nhận, nếu quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2020 là 343 tỷ USD, thì doanh thu của chỉ riêng một hãng sản xuất ô tô Toyota của Nhật Bản cũng trong năm này đã là 278 tỷ USD. Doanh thu của một hãng công nghiệp đã bằng gần 80% toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam.

65% dân số sống ở nông thôn, Việt Nam công nghiệp hóa thế nào? - 1

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng. 

Công nghiệp hóa còn rất cần thiết để chuyển dịch xã hội. Theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, dân số thành thị của nước ta là trên 33 triệu người chiếm 34,4% tổng dân số; dân số nông thôn là khoảng 63 triệu người, chiếm 65,4% tổng dân số. Cho dù không phải tất cả, thì một số lượng rất lớn những người dân sống ở nông thôn đều làm nông nghiệp hoặc làm dịch vụ gắn với nông nghiệp. Tích tụ ruộng đất để công nghiệp hoá nông nghiệp sẽ khó khăn.

65% dân số sống ở nông thôn, Việt Nam công nghiệp hóa thế nào? - 2

ts nguyen si dung.jpg

Nông nghiệp nước ta sẽ cạnh tranh với thế giới như thế nào khi tỷ lệ nhân lực trong ngành này lớn đến như vậy?

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Ở các nước phát triển, tỷ lệ dân số làm nông nghiệp chỉ là 5-7%, thậm chí chỉ là 3-5%. Nông nghiệp nước ta sẽ cạnh tranh với thế giới như thế nào khi tỷ lệ nhân lực trong ngành này lớn đến như vậy?

Nội dung cốt lõi của chuyển dịch kinh tế nông nghiệp vì vậy phải là chuyển dịch lực lượng lao động ra khỏi nông nghiệp. Lao động nông nghiệp chỉ có thể chuyển dịch nếu như chúng ta công nghiệp hóa thành công.

Hiện nay, quá trình đô thị hóa cũng đang tạo ra một sự chuyển dịch nguồn nhân lực từ nông thôn ra thành thị. Trong khoảng thời gian 10 năm 2009-2019, yếu tố di cư góp phần làm tăng dân số thành thị lên 1,2 triệu người, chiếm 3,5% dân số thành thị.

Tuy nhiên, một sự dịch chuyển như vậy là quá chậm. Đồng thời, nếu không có công nghiệp hóa, số dân dịch chuyển ra thành thị chắc gì đã có việc làm chính thức. Mà như vậy, thì họ rất có thể chỉ bổ sung thêm vào tầng lớp dân nghèo thành thị mà thôi.

Công nghiệp hóa không chỉ tạo dịch chuyển xã hội từ cư dân nông thôn thành cư dân thành thị, mà còn từ tầng lớp nghèo khó thành tầng lớp trung lưu. Đây là một sự dịch chuyển hết sức quan trọng để những tiến bộ xã hội khác có thể xảy ra. Những tiến bộ vượt bậc mà các nước phát triển trên thế giới đạt được về mặt dân chủ, pháp quyền cũng chính là nhờ vào sự dịch chuyển xã hội nói trên.

Chúng ta đang nói rất nhiều về cách mạng 4.0, nhưng nhiều khi quên mất rằng cách mạng 4.0 là một cuộc cách mạng về công nghiệp.

Vấn đề đặt ra là chúng ta cần công nghiệp hóa cái gì và công nghiệp hóa như thế nào?

Về câu hỏi công nghiệp hóa cái gì, thành tựu của Tập đoàn sơn Kova có thể gợi mở rất nhiều điều. Những phát minh được sử dụng để sản xuất sơn nano ở đây đã tạo ra những sản phẩm vô cùng ấn tượng.

Sơn chống cháy có thể chịu được nhiệt độ lên đến 1.000 độ C. Sơn tự làm sạch khiến sau nhiều năm, vỉa hè, tường nhà vẫn mới. Sơn chống khuẩn có thể tiêu diệt gần hết các loại khuẩn. Sơn chống đạn đạn bắn không thủng. Các loại sơn này đã được 7 nước trên thế giới đặt mua. Trong đó nước mua nhiều nhất cho các tòa nhà cao tầng và bệnh viện của mình là Singapore.

Sơn nano với các tính năng đặc biệt nói trên do GS Nguyễn Thị Hòe phát minh. Đây là loại sơn được chế tạo bằng nano chiết xuất từ vỏ trấu và sử dụng dung môi chủ yếu là nước lã nên thân thiện với môi trường, tiêu biểu cho kinh tế xanh.

Ví dụ nói trên cho thấy, các phát minh đột phá về công nghệ của người Việt có thể làm nên sự khác biệt và giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh. Ngành công nghiệp sơn Việt Nam hoàn toàn có thể được xây dựng dựa trên các phát minh của GS Hòe. Bên cạnh đó, sơn chống cháy, chống đâm, chống đạn của GS Hòe cũng hoàn toàn có thể là nền tảng để xây dựng các ngành công nghiệp về các trang bị cho quốc phòng, an ninh.

Trong cả nước, chúng ta còn có bao nhiều phát minh mang tính đột phá như phát minh của GS Nguyễn Thị Hòe? Công nghiệp hóa trước hết là phải dựa trên cơ sở của những phát minh đột phá như vậy.

Vấn đề là chúng ta cần phải điều tra để nhận biết chính xác những phát minh đột phá  chúng ta đang có là bao nhiêu và đang được lưu giữ ở đâu. Hơn nửa thế kỷ đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ, những phát minh đột phá nhưng vậy chắc chắn là không ít.

Chúng ta cũng có thể công nghiệp hóa bằng cách đón đầu làn sóng công nghệ mới như Hãng ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup đang làm. Trong trường hợp này, bên cạnh nguồn vốn lớn, hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới và thu hút những nhân tài Việt trên toàn cầu là rất quan trọng.

Về câu hỏi công nghiệp hóa như thế nào, có lẽ, trước hết, chúng ta nên tổng kết lại chương trình công nghiệp hóa trong thời gian vừa qua để rút ra các bài học cần thiết.

Tiếp theo, Chính phủ cần tập hợp những doanh nhân tài giỏi của đất nước để bàn thảo xem với những phát minh đột phá mà chúng ta đang có thì có thể phát triển ngành công nghiệp gì và hiện thực hóa điều đó như thế nào.

Đây cũng chính là cách mà các nhà nước kiến tạo phát triển ở Đông Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng làm. Điểm khác biệt là họ đã công nghiệp hóa thành công trước khi bị ràng buộc chặt chẽ hơn bởi các hiệp định tự do thương mại.

Chúng ta sẽ không có được điều kiện thuận lợi như vậy để can thiệp vào thị trường nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa. Thế nên, chúng ta cần sự tham gia của các nhà đàm phán (đã đàm phán các hiệp định tự do thương mại như CPTPP, EVFTA, RCEP…) vào quá trình bàn thảo nói trên. Với sự hiểu biết của mình, các nhà đàm phán sẽ tư vấn cho Chính phủ về việc chèo lái như thế nào để với những quy định của các hiệp định thương mại tư do vẫn có thể trợ giúp các doanh nghiệp trong nước và thúc đẩy công nghiệp hóa thành công.

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG(Nguyên PCN Văn phòng Quốc hội)
Bình luận
vtcnews.vn