• Zalo

100.000 người Mỹ chết vì COVID-19: Thảm kịch đó đáng lẽ không xảy ra

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 29/05/2020 15:44:19 +07:00 Google News
(VTC News) -

Theo báo giới Mỹ, thảm kịch hơn 100.000 người Mỹ thiệt mạng do COVID-19 đáng lẽ có thể ngăn chặn nếu có biện pháp đúng đắn ngay từ đầu.

"Họ đáng ra đã không phải chết", CNN giật tít trước sự tang thương bao phủ lên toàn nước Mỹ. Có 1,7 triệu ca nhiễm, 100.000 người chết do COVID-19 chỉ 3 tháng sau những ca nhiễm đầu tiên.

Những người đã chết do COVID-19 không phải con số thống kê lạnh lùng trên bàn giấy của các nhà chức trách, mà nó là câu chuyện, là nỗi đau có thể chạm thấy được khi những người mẹ, người bố, người ông, người bà, anh chị em, vợ chồng hay con cái bị tử thần mang đi. Gia đình tan vỡ và cái chết khiến tất cả kết thúc trong đơn độc. 

100.000 người Mỹ chết vì COVID-19: Thảm kịch đó đáng lẽ không xảy ra - 1

New York Times gọi 100.000 người chết là nỗi đau "không thể đong đếm". 

"Virus lây nhiễm không đồng đều ở các cộng đồng chủng tộc, màu da khác nhau. Người da đen chiếm 13,4% dân số Mỹ, theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ở các hạt có tỷ lệ dân số da đen cao, hơn một nửa số ca nhiễm COVID-19 và gần 60% số người chết vào giữa tháng 4 lại tập trung vào cộng đồng này", CNN phân tích. 

"COVID-19 cũng khiến kinh tế Mỹ bên bờ vực suy thoái. Một thế hệ sinh ra trong nỗi sợ hãi của thảm kịch 11/9, giờ lại tốt nghiệp trung học với một nỗi sợ hãi mang tầm quốc gia khác. Những gia đình phải chia lìa trong nhiều tháng, giờ có nguy cơ xa nhau trong nhiều tháng tiếp theo", CNN nêu rõ.

Theo CNN, phản ứng chậm chạp của chính quyền khiến nước Mỹ bỏ lỡ 2-3 tuần lễ vàng đầu tiên để ngăn chặn dịch bệnh. Báo giới Mỹ nhấn mạnh Tổng thống Donald Trump đã ít nhất 10 lần phớt lờ cảnh báo của các chuyên gia, nhà khoa học về mức độ nguy hiểm của COVID-19.

Khi đại dịch hoành hành ở Hồ Bắc (Trung Quốc), ông Trump nói nước Mỹ "hoàn toàn kiểm soát tình hình" và "đã chặn đứng nguy cơ lây nhiễm từ Trung Quốc". Ông còn gây tranh cãi khi nói COVID-19 cũng chỉ như cúm mùa hàng năm. Khi tất cả nhận ra mối nguy hiểm của COVID-19, mọi thứ đã quá muộn. 

100.000 người Mỹ chết vì COVID-19: Thảm kịch đó đáng lẽ không xảy ra - 2

Nước Mỹ vẫn mở cửa nền kinh tế bất chấp đe dọa từ dịch bệnh. 

"Cách các thống đốc bang chậm nhận ra mối đe dọa trong viện dưỡng lão có thể trở thành một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất. Ngoài ra, dù Tổng thống Trump nói ông không chịu trách nhiệm thì phần lớn những luận điểm đổ lỗi cũng sẽ nhắm vào ông", CNN nói.

Washington Post trưng con số 100.000 lên đầu trang chủ để nhấn mạnh nỗi đau nước Mỹ phải gánh chịu do COVID-19. "Con số 100.000 người thiệt mạng ấy tương đương toàn bộ số dân ở Edison, New Jersey hay Kenosha. Con số ấy cũng gấp 20 lần số người thiệt mạng trong các vụ giết người và gấp đôi số người chết vì đột quỵ trong cùng khoảng thời gian", Washington Post phân tích. 

Ứng viên Tổng thống Joe Biden gửi lời chia buồn đến những ai mất đi người thân trong đại dịch COVID-19. Ông khẳng định: "Có những khoảnh khắc trong lịch sử thật nghiệt ngã, đau lòng. Họ mãi mãi ở trong mỗi trái tim chúng ta như một nỗi đau không của riêng ai.

Hôm nay là một trong những khoảnh khắc ấy. Đối với những người đang tổn thương, tôi xin lỗi vì sự mất mát của bạn. Tôi hiểu cảm giác của các bạn, cứ như đang bị hút vào một lỗ đen ở giữa ngực vậy. Cảm giác ấy thực sự nghẹt thở", Biden chia sẻ. 

100.000 người Mỹ chết vì COVID-19: Thảm kịch đó đáng lẽ không xảy ra - 3

Chính quyền Tổng thống Trump bị chỉ trích vì cách đối phó hời hợt với COVID-19. 

Ông Biden là một trong những người lên án mạnh mẽ nhất các chính sách của Trump. Trả lời CNN hôm 26/5, ông Biden khẳng định Trump "ngu ngốc" khi không đeo khẩu trang ở các sự kiện. Trong khi đó, cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng cách phản ứng với COVID-19 của chính quyền ông Trump là "một thảm họa hoàn toàn hỗn loạn".

Bất chấp thảm họa COVID-19 ngày một tồi tệ, các bang ở Mỹ vẫn tính phương án mở cửa trở lại để phục hồi nền kinh tế. Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ về COVID-19, Tiến sỹ Anthony Fauci cho rằng các tiểu bang nên tiến hành thận trọng khi dỡ bỏ các hạn chế sâu rộng để hạn chế đại dịch. Fauci cũng cho rằng ông đeo khẩu trang để người Mỹ thấy đó là điều đúng đắn.

Đáng lo ngại hơn, số người thương vong bởi SARS-CoV-2 tại quốc gia này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. "Bi kịch đầu tiên của cột mốc 100.000 người chết do virus corona chủng mới này là đáng ra họ đã không phải chết. Bi kịch thứ 2 là không ai biết sẽ còn bao nhiêu người chết trước khi đại dịch tàn lụi", CNN khẳng định.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn