• Zalo

10 sự kiện gây 'sốc' thị trường ô tô Việt Nam năm 2017

Kinh tếThứ Hai, 18/12/2017 11:16:00 +07:00Google News

Khép lại một năm với nhiều biến động trên thị trường ô tô Việt Nam: Phí cấp biển số mới, ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, cuộc chiến giảm giá bán, FUS0 về tay Trường Hải,…

 1. Phí cấp biển số ô tô, xe máy mới

Theo Thông tư 229/2016 của Bộ Tài chính quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thay thế các Thông tư trước đây về lệ phí biển số xe được áp dụng từ 1/1/2017, các mức phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại được quy định như sau (xem bảng dưới đây).

Điểm mới của Thông tư này nằm tại mục II, khi được bổ sung thêm phần 'Cấp lại biển số" với mức giá chung cho cả 3 khu vực và tất cả các loại phương tiện là 100.000 đồng. Một điểm đáng chú ý theo quy định mới đó là ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống, xe máy chuyển từ khu vực phải nộp lệ phí quy định mức thu thấp về khu vực phải nộp lệ phí quy định mức thu cao.

Lưu ý: Việc cấp lại giấy đăng ký hoặc biển số chỉ được áp dụng đối với trường hợp giấy đăng ký hoặc biến số bị mất.

2. Áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 cho ô tô

Theo Quyết định số 49/2011/QĐ-TT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 01/9/2011, kể từ ngày 01/01/2017, các xe ô tô, mô tô lắp ráp và nhập khẩu mới phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ở mức 4 (Euro 4).

1

 

Trên thực tế, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải ô tô, xe máy theo Quyết định 49/2011 với yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn khí thải tương đương Euro 4 đã được ban hành từ năm 2011, nhưng hiệu lực áp dụng từ năm 2017. Theo lộ trình này, ô tô du lịch, xe bus gắn động cơ diesel sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 từ ngày 1/1/2018; xe ô tô tải chạy dầu diesel tới năm 2022 mới phải áp dụng.

Tuy nhiên, từ 1/1/2017, Cục Đăng kiểm đã dừng việc cấp phiếu xuất xưởng cho các xe ô tô có sử dụng động cơ diesel được nhập khẩu trong năm 2017. Việc này đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh ô tô.

3. Khai mạc 2 triển lãm ô tô lớn nhất Việt Nam với nhiều mẫu xe mới

Bên cạnh các chính sách thuế, 2 triển lãm ô tô lớn nhất trong năm là Triển lãm ô tô Việt Nam và Triển lãm ô tô quốc tế Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng.

Trong đó, triển lãm ô tô Việt Nam năm nay diễn ra sớm hơn so với thường lệ, quy tụ 12 thương hiệu xe du lịch và xe thương mại diễn ra từ ngày 2-5 tháng 8 năm 2017. Sự kiện lần này giới thiệu tới khách hàng những cải tiến và phát minh mới về công nghệ được áp dụng trên ô tô.

Còn đối với Triển lãm ô tô quốc tế Việt Nam 2017, mặc dù quy tụ đến 13 thương hiệu sản xuất ô tô- xe máy nhưng sức hút và quy mô của kỳ triển lãm VIMS năm nay chưa thật sự thuyết phục khi thiếu hụt về cả lượng và chất.

4. Ban hành Nghị định số 116/2017 của Chính phủ

Nghị định số 116/2017/NĐ-CP vừa ban hành đã quy định cụ thể các điều kiện để doanh nghiệp có thể sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vào Việt Nam.

2

 

Theo đó, để được kinh doanh ô tô tại Việt Nam doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất và nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hay thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định như: Nhà xưởng được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp; Có cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô của: Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước hoặc doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài.

Đặc biệt, đối với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.

Khi được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp sẽ phải duy trì các điều kiện kinh doanh và bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP.

5. Xu hướng phân phối xe nhập khẩu thay vì lắp ráp

Lộ trình giảm thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018 đã tác động mạnh mẽ đến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng. Cụ thể, các mẫu ô tô như Toyota Fortuner hay Honda CR-V thế hệ mới sẽ được nhập khẩu về nước để phân phối thay vì lắp ráp trong nước như trước đây.

Một trong những guyên nhân chủ yếu khiến các doanh nghiệp lắp ráp cũng không quá mặn mà, khi mà chi phí cho việc duy trì nhà máy lắp ráp tốn kém hơn rất nhiều so với chi phí nhập khẩu xe nguyên chiếc.

6. Cuộc chiến giảm giá bán thị trường ô tô Việt Nam 2017

Mở màn cho cuộc đua giảm giá ở thị trường ôtô Việt Nam có lẽ là “ông lớn” Thaco Trường Hải khi “nổ phát súng” giảm giá bán đối với một số mẫu xe của hãng. Nối tiếp ngay sau đó là Honda Việt Nam, Mitsubishi hay GM,…, thậm chí là hãng xe lười giảm giá nhất là Toyota cũng buộc phải nhập cuộc.

3 3

 

Cuộc chiến giảm giá bán để cạnh tranh và giành thị phần khách hàng khiến người tiêu dùng trong nước rơi vào “ma trận” không biết đâu mà lần.

Tính đến thời điểm nửa cuối năm 2017, những đợt giảm giá càng diễn ra mạnh mẽ hơn và theo đó tăng cấp độ lên thành "bão giá". Cơn "bão giá" lớn chưa từng có tại thị trường ô tô Việt Nam nổi lên từ chính sức ép của người tiêu dùng. Tâm lý chờ đợi giá ô tô giảm vào năm 2018 để mua được xe giá rẻ đã khiến cho sức mua ô tô trên toàn thị trường không thể hồi phục.

7. Loạt xe mới trễ hẹn về nước đầu năm 2018

Ngay sau khi Nghị định 116/2017 được Chính phủ ban hành, hàng loạt mẫu xe ô tô hàng hot trên thị trường trong thời gian qua như: Suzuki Celerio, Toyota Fortuner 2018, Toyota Wigo, hay Honda CR-V 7 chỗ “gặp khó” và không thể về nước để giao tới tay khách hàng như lịch hẹn.

Một trong những nguyên nhân chính là do Nghị định 116/2017 mới được Chính phủ ban hành các đây không lâu. Nghị định này nêu rõ, để đủ điều kiện nhập khẩu xe, các hãng phải có giấy chứng nhận chất lượng xe từ các tổ chức có thẩm quyền từ nước ngoài.

8. Bộ Công Thương hướng dẫn quy trình nhập khẩu ô tô theo Nghị định 116

Ngày 5/12, Bộ Công Thương đã có văn bản lưu ý các doanh nghiệp về thời gian chuyển tiếp kinh doanh nhập khẩu ôtô theo quy định tại Nghị định 116 được ban hành giữa tháng 10 vừa qua.

Theo đó, Nghị định 116 quy định điều kiện chuyển tiếp cho các doanh nghiệp kinh doanh ôtô nhập khẩu chỉ được nhập xe đến hết ngày 31/12/2017. Kể từ 1/1/2018 chỉ những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận nhập khẩu xe từ cơ quan quản lý mới được quyền nhập. Đơn vị xử lý và cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu là Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Bộ Công Thương đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp lưu ý quy định về thời gian chuyển tiếp để chủ động trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, nhập khẩu ô tô và đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 116.

9. FUS0 về tay Thaco Trường Hải

Sau khi có được BMW và Mini, “ông lớn” Thaco Trường Hải lại vừa tiếp nhận thêm thương hiệu xe tải gốc Nhật FUSO kể từ năm 2018. Cho đến thời điểm hiện tại Thaco Trường Hải đã có trong tay 5 thương hiệu xe du lịch gồm Mazda, Kia, Peugeot, BMW và Mini.

Hiện nay, FUSO Việt Nam đang bán ra thị trường 14 mẫu xe tải và 3 mẫu xe khách, thông qua 16 đại lý trên toàn quốc. Theo thống kê từ VAMA, doanh số cộng dồn 10 tháng đầu năm của hãng này đạt 769 chiếc, trung bình đạt khoảng 70 xe/tháng, chiếm khoảng 13,7% thị phần của Mercedes-Benz Việt Nam.

10. Nhiều hãng xe công bố giá bán cho năm 2018

Trong những ngày đầu tháng 11, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam đã bắt đầu áp dụng giá bán năm 2018 cho hàng loạt mẫu xe lắp ráp trong nước, tiêu biểu là Toyota Việt Nam (TMV).

Video: Thần chết vô hình trong những chiếc xe hơi không chìa

Hiện hãng công bố giá bán áp dụng cho năm 2018 đối với toàn bộ các mẫu xe lắp ráp trong nước là: Toyota Vios, Corolla Altis, Camry và Innova. Giá xe (giá niêm yết) năm 2018 của TMV sẽ giảm từ 24 – 58 triệu đồng tùy từng mẫu xe so với thời điểm trước tháng 11/2017.

Ngay sau Toyota, hai “ông lớn” Thaco và Hyundai cũng lập tức công bố mức giá mới năm 2018. Hiện Hyundai giảm giá bán đối với mẫu xe giá rẻ Grand i10 với mức giảm từ 20 – 40 triệu đồng (tùy từng phiên bản).

Trong khi đó, Thaco điều chỉnh toàn bộ giá xe lắp ráp trong nước cho hai dòng xe là Mazda và Kia. Đối với dòng xe Kia, hãng sẽ giảm giá toàn bộ các mẫu xe lắp ráp trong nước, với các mức giảm khác biệt khá lớn từ 5 – 42 triệu đồng. Mazda 3, CX5, Mazda 6 và BT-50 nhận mức giảm giá bán từ 16 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng vào đầu năm 2018.

“Đứng ngồi không yên” Ford Việt Nam cũng đưa ra mức giá bán mới áp dụng trong năm 2018 đối với 3 mẫu xe lắp ráp là Ford EcoSport, Ford Fiesta và Ford Focus.

(Nguồn: vietnamfinance.vn)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn