• Zalo

10 điều cấm kỵ cho những người muốn tìm được việc

Kinh tếThứ Hai, 02/03/2015 07:26:00 +07:00 Google News

Duy trì mối quan hệ với đồng nghiệp cũ cũng như gặp gỡ và giao lưu với bạn mới là cách tốt nhất để bạn có thể tìm cho mình một công việc như ý.

Duy trì mối quan hệ với đồng nghiệp cũ cũng như gặp gỡ và giao lưu với bạn mới là cách tốt nhất để bạn có thể tìm cho mình một công việc như ý.

Dưới đây là 10 điều bạn nên tránh nếu muốn tìm việc làm do trang Inc. đưa ra.

1. Tôi mới là trung tâm

Đối với các mối quan hệ trong giới kinh doanh, nếu bạn có xu hướng chỉ tập trung vào bản thân mình, thì người khác sẽ chẳng muốn nói chuyện với bạn.

Mọi người cũng cần biết về bạn cũng như những kỹ năng mà bạn có, nhưng đổi lại, cũng cần tìm hiểu về họ. Bởi ai cũng thích được nói về bản thân.

2. Giả bộ trò chuyện để moi móc thông tin

việc làm
 
Đừng bao giờ đề nghị một buổi nói chuyện nhằm moi thông tin, mà ở đó bạn hy vọng sẽ tìm hiểu được ít nhiều về công việc hoặc công ty của người đó.

Chẳng hay ho chút nào nếu bạn cố gắng gần gũi rồi sau đó mồm năm miệng mười thuyết phục người ta tuyển dụng mình. Nếu làm vậy, sớm muộn bạn cũng bị xóa khỏi danh sách bạn bè trên mạng xã hội của họ.

3. Không có hứng thú với việc giúp đỡ người khác

Mối quan hệ trong công việc giống như con đường hai chiều. Giả sử tôi từng giúp bạn kiếm được một công việc, thế nhưng khi tôi cần đến sự giúp đỡ thì bạn lại lặn mất tăm.

Nếu bạn có suy nghĩ như vậy thì đừng hy vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Bởi vậy, hãy tập trung giúp đỡ người xung quanh nhiều nhất có thể.

4. Hạ thấp người khác

Việc nói xấu người khác nhằm làm màu cho bản thân không phải ý tưởng hay. Nếu bạn đẹp, bạn giỏi thì việc gì phải lo lắng đến sự cạnh tranh.

Thực tế là nói những điều không hay về người khác sẽ chỉ làm xấu đi hình ảnh của bạn trong mắt người xung quanh mà thôi.

5. Mai danh ẩn tích và chỉ xuất hiện khi cần nhờ vả

Chẳng chuyện trò với ai trong số 500 người bạn trên mạng xã hội, nhưng đến khi cần tìm việc thì lại gửi email nhờ vả tất cả những người đó. Từ hỏi thông tin cho đến nhờ giới thiệu, nhưng đến khi tìm được việc rồi lại tiếp tục “ngủ đông”.

Chắc chắn những người kia sẽ không muốn giúp bạn thêm lần nào nữa.

6. Chia sẻ quá nhiều

Mặc dù chia sẻ là việc cần thiết để duy trì các mối quan hệ, tuy nhiên sẽ không tốt nếu như bạn chia sẻ quá nhiều. Đừng thảo luận những khó khăn trong hôn nhân với sếp cũ. Cũng đừng bô bô về định mức tín dụng với đồng nghiệp.

Chớ bao giờ đăng tải lên mạng rằng bạn phải tìm công việc mới vì sếp hiện tại không tốt. Càng không nên gọi cho ai đó, rồi bù lu bù loa ngay trên điện thoại rằng nhà cửa sắp bị tịch thu nếu như không sớm tìm được việc.

Thay vào đó, hãy nói về việc bạn có thể giúp ích cho công ty như thế nào.

7. Không chịu tìm hiểu

“Hãy nói cho tôi biết về công ty của bạn” là câu không nên được phát ra từ miệng của một người đang muốn tìm việc. Kể cả khi có quen nhau từ trước thì bạn cũng nên tìm hiểu, trong phạm vi có thể, về công ty đó trước buổi hẹn.

Bằng không, nếu bạn cứ đến cuộc hẹn, thậm chí ở quán cà phê thôi, mà không có chút kiến thức nào thì đúng là lãng phí thời gian của người khác.

8. Thô lỗ kiểu cổ                                                

Đòi hỏi quá mức về thông tin, thời gian hay là nổi điên mỗi khi ai đó không răm rắp nghe lời có thể sẽ làm hỏng mất cơ hội để bạn học được thứ gì đó mới mẻ.

Thêm vào đó, việc cố tình tiếp cận một người tại đám tang hay làm phiền người khác ở công viên giải trí cũng có thể hủy hoại mối quan hệ của bạn. Và đừng bao giờ quên nói lời cám ơn.

9. Nói dối

Mặc dù đôi khi chúng ta cũng cần nói quá lên một chút để xin việc nhưng những lời nói dối trắng trợn sẽ khiến người đối diện cảm thấy khó chịu.

Chẳng hạn, bạn đang tám chuyện với anh hàng xóm về dự định nghề nghiệp thì anh ta bảo: “Công ty tôi đang tuyển chuyên gia phân tích kinh doanh đó”. Bạn đáp không ngần ngại: “Tôi có cả đống kinh nghiệm luôn”. Và thế là người hàng xóm tốt bụng sắp xếp cho bạn một cuộc hẹn với giám đốc marketing tại công ty của anh ta.

Nếu như bạn không hề có nhiều kinh nghiệm, anh hàng xóm kia sẽ gặp rắc rối. Như vậy chính bạn đã làm xấu đi hình ảnh của người hàng xóm trong mắt của cấp trên.

10. Đòi hỏi dai dẳng

Thứ hai: “Chào Jane, lâu rồi không nói chuyện, nhưng tôi rất hy vọng cậu có thể giúp tôi chuyện này...”

Thứ ba: “Jane, cậu nhận được tin nhắn của tôi rồi chứ?”

Thứ tư: “Jane, hy vọng cậu có đó.”

Thứ năm: “Jane, mình để lại 3 thư thoại....”

Vẫn biết việc hỏi han nhau trong các mối quan hệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tuy nhiên, việc “để cho người khác yên” cũng quan trọng không kém. Đặc biệt là khi Jane đã hồi âm nhưng chưa khiến bạn hài lòng. Hãy để cô ấy yên. Bạn cần phải nhớ rằng chẳng ai có nhiệm vụ phải giúp đỡ bạn.

Nguồn: Zing

Bình luận
vtcnews.vn